KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2016-2020, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2021-2025
Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trong điều kiện có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Về thuận lợi, kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu từng bước phục hồi. Kinh tế trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; tình hình chính trị, xã hội ổn định; nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai hiệu quả. Kinh tế - xã hội của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển; kết cấu hạ tầng, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện,... Tuy nhiên, tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp; cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; thị trường tiêu thụ khó khăn; thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi. Trong tỉnh, nội lực kinh tế, kết cấu hạ tầng còn yếu; quy mô doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh còn thấp. Từ đầu năm 2020 đến nay, cùng chung với những khó khăn của cả nước, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động gây khó khăn ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Bộ Công Thương, tập thể lãnh đạo sở, cán bộ, công chức ngành công thương thực hiện các giải pháp linh hoạt, kịp thời, phù hợp với diễn biến trong tình hình mới; cùng với sự cố gắng, phối hợp của các sở, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và đồng hành của các doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh. Các chỉ tiêu, kế hoạch của ngành công thương 5 năm 2016-2020 cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh.
Phần thứ nhất
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2016-2020
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU.
1. Giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp:
Giá trị tăng thêm năm 2016 đạt 7.125 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 11.194 tỷ đồng; Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 11,72%, cao hơn giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt 6,36% (ngành công nghiệp – XD tăng bình quân 10,84%). Giá trị tăng thêm ngành CN-XD giai đoạn 2016-2020 đạt 10,84% (cao hơn mục tiêu NQ là 9.5%). Cơ cấu ngành CN-XD ước thực hiện đến năm 2020 đạt 35,66% trong tổng cơ cấu toàn tỉnh. Chỉ số IIP giai đoạn 2016-2020 đạt 9,8%.
- Quy mô ngành công nghiệp: đã có xu hướng chuyển dịch dần sang ngành sản xuất có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường như sản xuất linh kiện điện tử, tân dược… công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đóng góp lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp. Ngành chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính và ngược lại tỷ trọng ngành khai khoáng giảm còn các ngành khác đều duy trì với tốc độ ổn định. Sản phẩm của ngành chế biến, chế tạo của Phú Thọ không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng của thị trường nội địa, mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Tổng sản lượng sản phẩm điện tử tăng 30 lần; gạch Ceramic tăng 3,3 lần, giầy thể thao tăng 4,2 lần, quần áo may sẵn tăng 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Một số mặt hàng công nghiệp chủ lực có tỷ trọng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu như hàng dệt, may (42%), linh kiện điện tử (25%) và các sản phẩm từ chất dẻo (16,8%).
- Quy mô và tỷ trọng lao động công nghiệp: Lao động ngành công nghiệp tăng dần qua các năm và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các ngành kinh tế. Tổng số lao động toàn tỉnh trong độ từ 15 tuổi trở lên sơ bộ năm 2019 ước 840,2 ngàn lao động. Trong đó, lao động trong ngành công nghiệp 149,3 ngàn lao động, chiếm 17,8%/tổng số lao động toàn tỉnh. Cơ cấu lao động trong ngành công nghiệp đối với ngành khai khoáng chiếm 0,87%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 97,2%, ngành sản xuất điện, khí đốt …chiếm 0,73% và ngành cung cấp nước và hoạt động xử lý rác thải chiếm 1,2% trong tổng cơ cấu lao động toàn ngành công nghiệp.
- Năng suất lao động ngành công nghiệp: NSLĐ năm 2020 có giảm so với năm 2019 (-2,7%) do số lượng lao động được gia tăng thêm trong lĩnh vực này nhưng GRDP lại giảm do nhiều yếu tố tác động trong đó có dịch bệnh Covid. Sự gia tăng lao động mới kết hợp với đầu tư mở rộng quy mô của doanh nghiệp sẽ là động lực đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và cải thiện NSLĐ giai đoạn sau.
- Tổng vốn đầu tư cho ngành công nghiệp: Tổng vốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp 05 năm 2016-2020 đạt trên 34.335 tỷ đồng, chiếm 26,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn và đạt mức tăng trưởng bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2016-2020.
Tỷ trọng vốn đầu tư cho ngành công nghiệp có xu hướng tăng nhẹ trong các năm, năm 2017 chiếm 26,2%, đến năm 2020 chiếm 26,9%/ tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
2. Về xuất khẩu: Năm 2016 đạt 1.009,3 triệu USD; Năm 2020 đạt 4.698,3 triệu USD; Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 30,2% (Kế hoạch là 12%). Vượt kế hoạch 18,2%.
3. Về nhập khẩu: Năm 2016 đạt 880,2 triệu USD; Năm 2020 đạt 4.072,5 triệu USD; Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 19,9%.
(Số liệu chi tiết theo phụ biểu đính kèm)
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRÊN TỪNG NGÀNH, LĨNH VỰC.
1. Phát triển công nghiệp.
Ngành công nghiệp Phú Thọ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là đầu tàu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Ngành công nghiệp đã thu hút được một số doanh nghiệp FDI lớn, tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh và có thị trường tiêu thụ ổn định. Bước đầu hình thành những ngành sản xuất mới như sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ sinh học, tân dược….phù hợp với định hướng chung của Chính phủ và của tỉnh.
Các ngành công nghiệp có lợi thế tiếp tục phát triển vốn đăng ký 9.795 tỷ đồng và 485,6 triệu USD. Năm 2020, các dự án trên đã đóng góp 43,5 nghìn tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp (chiếm trên 65% giá trị sản xuất toàn ngành); thu hút trên 45 nghìn lao động với thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/người/tháng; đóng góp ngân sách 1.000 tỷ đồng và xuất khẩu 3,7 tỷ USD…Nhìn chung, sản xuất công nghiệp duy trì được đà tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực công nghiệp đạt 11,72% (cao hơn mức tăng trưởng kinh tế trung bình của tỉnh). Tỷ trọng công nghiệp chế biến, công nghiệp ngoài quốc doanh tăng nhanh; các ngành có thế mạnh tiếp tục phát triển, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm được nâng lên; cơ cấu theo ngành và theo thành phần kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Trong giai đoạn 2016 – 2020 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9,8%. Đã có xu hướng chuyển dịch dần sang ngành sản xuất có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường như sản xuất linh kiện điện tử, tân dược…, Một số sản phẩm công nghiệp có thế mạnh trên thị trường và xuất khẩu.
2. Thực trạng một số ngành, lĩnh vực.
• Chế biến gỗ, giấy: Ngành công nghiệp nông sản, biến gỗ - giấy tỉnh Phú Thọ là một vẫn là trong những ngành chủ lực. Hiện có khoảng 21 cơ sở sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy trong đó có 2 cơ sở sản xuất với quy mô lớn là Công ty giấy Bãi Bằng và Công ty cổ phần giấy Việt Trì. Về chế biến lâm sản có một số nhà máy nổi bật như: Nhà máy chế biến gỗ ván ép Junma tại KCN Thụy Vân, công suất 56 nghìn m3/năm; Nhà máy sản xuất gỗ nội thất cao cấp của CTCP TASA Tân Sơn, công suất 60.000 m3/năm. Trong giai đoạn 2016-2020, ngành chế biến gỗ, giấy của tỉnh có mức tăng trưởng khá, đạt 9,1%/năm. Các sản phẩm chủ yếu đóng góp cao trong giá trị sản xuất công nghiệp của ngành gồm: Gỗ xẻ các loại 200 nghìn m3; Giấy bìa các loại 243 nghìn tấn; ván bóc 125 nghìn m3; gỗ ghép thanh 110 nghìn m3; ván ép 90 nghìn m3...
• Công nghiệp hóa chất, cao su, nhựa, phân bón: Công nghiệp sản xuất hóa chất, cao su, nhựa, phân bón luôn là ngành có đóng góp giá trị sản xuất lớn và duy trì khá ổn định trong các giai đoạn phát triển công nghiệp của tỉnh. Hiện tỉnh Phú Thọ có những sản phẩm như sau: hóa chất; phân bón vô cơ, hữu cơ; sợi, bạt PP, PE; SXKD và gia công vải nhựa, dây nhựa, túi nhựa, hạt nhựa; bao bì nhựa; thảm nhựa, ống PVC… Riêng ngành hóa chất có gần 80 doanh nghiệp liên quan đến hoạt động hóa chất, trong đó có 04 doanh nghiệp sản xuất hoá chất như Công ty cổ phần Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao, Công ty cổ phần Đông Á, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty cổ phần Hoá chất Việt Trì.
Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ cao trong lĩnh vực này vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 144 cơ sở sản xuất, trong đó, tập trung nhiều nhất là các doanh nghiệp FDI từ Hàn Quốc sản xuất các sản phẩm bao bì, vải, bạt PP, PE, dây đai, dây thừng, thảm trải nền…Số lượng các cơ sở, doanh nghiệp trong nước rất hạn chế chủ yếu sản xuất các sản phẩm hóa chất cơ bản, phân bón, gia công sản phẩm bao bì, vải bạt…Thị trường tiêu thụ ngành công nghiệp hóa chất, cao su, nhựa, phân bón chủ yếu là thị trường nội địa chiếm 66,9% doanh thu trong khi đó thị trường nước ngoài chỉ chiếm 33,1% tổng doanh thu.
Giá trị tăng thêm theo giá so sánh của ngành cũng tăng dần qua các năm với tốc độ tăng trưởng 4%/năm, trong đó năm 2015 đạt 1086 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 1437 tỷ đồng.
• Cơ khí chế tạo, sản xuất kim loại: Ngành công nghiệp cơ khí trên địa bàn bao gồm các ngành sau đây: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn bao gồm công nghiệp sản xuất các cấu kiện kim loại, thùng, bể chứa và nồi hơi phục vụ cho các ngành xây dựng và các ngành sản xuất khác; Rèn, dập, ép và cán kim loại; Gia công cơ khí; Xử lý và tráng phủ kim loại; Sản xuất dao kéo, dụng cụ cầm tay cho các ngành sản xuất; Sản xuất các loại đai ốc, phụ tùng, linh kiện phục vụ sửa chữa, lắp ráp động cơ tàu, thuyền, phương tiện vận tải; Sản xuất thiết bị sử dụng năng lượng chiết lưu; Sản xuất vòi và van; Gia công, chế tác bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động; Lắp ráp, chế tạo các thiết bị nâng, hạ và bốc xếp; Sản xuất dụng cụ cầm tay chạy bằng mô tơ hoặc khí nén; Sản xuất máy thông dụng khác…. Ngành công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 58,3% số lượng cơ sở doanh nghiệp phân bố ở ngoài các khu, cụm công nghiệp và 41,7% doanh nghiệp phân bố ở trong các khu, cụm công nghiệp. Giá trị tăng thêm năm 2020 gấp gần 2,9 lần so với năm 2015.
Đã có một số cơ sở, doanh nghiệp đầu tư sản xuất các sản phẩm CNHT cơ khí, chế tạo, bước đầu đã có thương hiệu, tạo được lòng tin và chỗ đứng trên thị trường cho các sản phẩm như: Phụ tùng, linh kiện lắp ráp ôtô, xe máy của Công ty TNHH công nghệ COSMOS 1; bulong, ốc vít của Công ty cổ phần cơ khí tạo hình Windtech VP; các sản phẩm khuôn đúc chính xác của Công ty cổ phần cơ khí đúc Việt Nam; các sản phẩm tráng phủ, kẽm nhúng nóng của Cty CP Việt Vương; gia công, chế tác các phụ tùng động cơ, thiết bị nâng hạ của Cty cổ phần Kim Quy, Cty cổ phần cơ khí Thanh Ba; các sản phẩm mái tôn, thép hình của Công ty TNHH XD&TM Ngọc Tuệ, CTCP Trường Phát; nhôm định hình của CTCP nhôm Sông Hồng…
Thị trường nội địa chiếm 58,1% tổng doanh thu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí và thị trường nước ngoài chiếm 41,9% tổng doanh thu. Thị trường nội địa tiêu thụ phần lớn các sản phẩm tấm lợp bằng kim loại phục vụ cho các công trình xây dựng công nghiệp và dân dụng; công cụ cầm tay, một số thiết bị, linh kiệm cho máy công nghiệp, phương tiện vận tải, đóng tàu... Đối với doanh thu tiêu thụ ở thị trường trong nước, cung cấp cho các nhà sản xuất ngoài tỉnh làm nguyên liệu, tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng lớn, tiếp theo là cung cấp cho các doanh nghiệp bán buôn, các đại lý, cung cấp cho các nhà sản xuất trong tỉnh làm nguyên liệu, tư liệu sản xuất. Đối với thị trường tiêu thụ ngoài nước, sản phẩm hỗ trợ ngành công nghiệp cơ khí được cung cấp trực tiếp cho các nhà sản xuất chiếm tỷ trọng lớn, tiếp theo là cho các công ty mẹ. Các sản phẩm này được sản xuất chủ yếu bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
• Dệt may: Ngành Dệt may Phú Thọ liên tục có bước phát triển tích cực, chỉ số sản xuất tăng qua các năm. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp ngành dệt may - da chiếm trên14,5% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế các doanh nghiệp dệt may, nhất là may mặc hiện nay vẫn chủ yếu là gia công các sản phẩm theo đơn đặt hàng, đối tác đặt nhiều làm nhiều và ngược lại nên tỷ trọng đóng góp vào giá trị gia tăng không cao.
CNHT của dệt may đóng góp khoảng 22,6% tăng 1,5 lần so với năm 2015.Các cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp dệt may - da giày trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu vào các khu, cụm công nghiệp. Đến nay có trên 57% số cơ sở, doanh nghiệp tập trung vào các khu, cụm công nghiệp, còn lại khoảng 43% nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
• Sản xuất điện – linh kiện điện tử: Tỉnh Phú Thọ định hướng phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học cao và hạn chế những tiểu ngành có tác động tiêu cực tới môi trường tuy nhiên hiện nay số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao chưa nhiều. Đến nay, có trên 50 cơ sở, doanh nghiệp ngành công nghiệp điện – điện tử. Trong đó, sản xuất linh kiện điện tử tăng bình quân 28,26% tuy nhiên đây là một ngành mới của Phú Thọ do đó các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đóng vai trò chủ chốt với tổng số 14 doanh nghiệp gia công sản xuất linh kiện điện tử. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành điện - điện tử chủ yếu là thị trường ngoài nước. Theo kết quả khảo sát, doanh thu ở thị trường nước ngoài chiếm trên 96% tổng doanh thu, trong khi đó doanh thu ở thị trường trong nước chỉ chiếm khoảng 4%. Sản lượng sản phẩm linh kiện điện tử năm 2020 ước đạt 121,557 triệu chiếc.
Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm giai đoạn 2016 – 2020 chỉ đạt 10,93%. Tuy nhiên, xét về giá trị tăng thêm theo giá so sánh năm 2020 tăng gấp gấp 2,8 lần năm 2015.
• Sản xuất vật liệu xây dựng: Công nghệ sản xuất của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh từng bước được đổi mới. Tỉnh Phú Thọ có trên 400 cơ sở sản xuất (trong đó có 66 doanh nghiệp). trong đó:
Sản xuất xi măng: Trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại có 02 doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn, năm 2015, sản lượng xi măng của tỉnh đạt khoảng 1,22 triệu tấn, tương đương khoảng 85% năng lực sản xuất xi măng hiện có. Ước thực hiện năm 2020 đạt 1,471 triệu tấn cơ bản đạt năng lực hiện có.
Sản xuất gạch ốp lát: Hiện có 06 cơ sở sản đang hoạt động sản xuất gạch ốp lát: Công ty CP gạch men Tasa có công suất thiết kế 44 triệu m2/ năm; Công ty CP CMC có công suất thiết kế 18 triệu m2/ năm; Công ty CP gốm sứ Thanh Hà có công suất thiết kế 6 triệu m2/ năm; Công ty CP gốm sứ CTH có công suất thiết kế 4 triệu m2/ năm; Công ty CP Thắng Cường có công suất thiết kế 10 triệu m2/năm; Nhà máy gạch Takao Granite tại xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông có công suất 10 triệu m2/năm. Nhìn chung công nghệ của các cơ sở khá tiên tiến, nên sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, được thị trường chấp nhận. Sản lượng gạch ceramic ước đạt 39,17 triệu m2 năm 2020.
Sản xuất gạch xây các loại: Gạch đất sét nung trên địa bàn hiện có khoảng 42 cơ sở sản xuất gạch tuynel với nhiều quy mô khác nhau; tổng công suất thiết kế khoảng 750 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm. Gạch không nung trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 10 cơ sở sản xuất gạch không nung (gạch bê tông xi măng, gạch bê tông khí trưng áp) có quy mô công nghiệp; tổng công suất thiết kế khoảng 360 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm.
Sản xuất Đá ốp lát nhân tạo: hiện tại trên địa bàn tỉnh có 01 cơ sở đã đi vào hoạt động tại CCN Bãi Ba - Đông Thành: Nhà máy sản xuất kinh doanh tấm thạch anh nhân tạo của Công ty Cổ phần Tập đoàn Quartz Stone; Công suất 7,2 triệu m2/năm; 01 cơ sở đang thực hiện đầu tư tại CCN Bãi Ba - Đông Thành: Nhà máy sản xuất kinh doanh tấm thạch anh nhân tạo và đá nung kết của Công ty Cổ phần Century Stone; Công suất 7,2 triệu m2/năm.
• Ngành chế biến thực phẩm, đồ uống: đến năm 2020, tỉnh Phú Thọ có khoảng trên 5.000 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống trong đó có trên 70 doanh nghiệp còn lại là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Trên địa bàn tỉnh hiện có 04 nhà máy sản xuất bia, rượu, trong đó đáng chú ý là nhà máy Bia Sài Gòn - Phú Thọ tại KCN Trung Hà do Công ty Bia nước giải khát Sài Gòn - Phú Thọ đầu tư với công suất 50 triệu lít bia/năm, Công ty Bia NGK Hà Nội - Hồng Hà công suất lên 50 triệu lít/năm và Công ty Bia, rượu, NGK Sài Gòn - Đồng Xuân tại huyện Thanh Ba là thành viên của SABECO. Năm 2020, sản lượng Bia hơi, bia đóng lon năm 2020 đạt 71,77 triệu lít. Các sản phẩm chủ lực của tỉnh bao gồm: Chè, bia, rượu, thức ăn chăn nuôi, rau củ quả, thực phẩm, mì ăn liền, tinh bột sắn. Mặc dù giai đoạn 2016 – 2020, ngành chế biến nông sản- thực phẩm, đồ uống sản lượng sản xuất của nhiều sản phẩm như chè tăng 22%, bia… tăng so với năm 2015. Đến năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid nên chỉ đạt 814 tỷ đồng chiếm gần 7,3 giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp.
- Ngành chế biến chè: Tỉnh Phú Thọ là một trong các địa phương của cả nước có diện tích và sản lượng chè lớn nhất (chiếm 22% sản lượng vùng và gần 15% sản lượng cả nước). Theo thống kê, tỉnh hiện có khoảng trên 16 ngàn ha trồng chè với sản lượng (chè búp tươi) đạt trên 150 ngàn tấn. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại 09 huyện trọng điểm phát triển chè của tỉnh, đó là Tân Sơn, Thanh Sơn, Đoan Hùng, Yên Lập, Thanh Ba, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Thanh Thủy, Phù Ninh. Hiện trên có 61 doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất chế biến chè xanh, chè đen và các loại chè cao cấp có công suất từ một tấn búp tươi/ngày trở lên (tổng công suất đạt 1.368 tấn chè búp tươi/ngày). Ngoài ra, trên địa bản có 18 làng nghề chế biến chè và khoảng trên 1.000 cơ sở chế biến chè xanh thủ công với tổng công suất đạt trên 262.000 tấn/năm. Hàng năm khoảng 20% sản lượng chế biến của tỉnh được xuất trực tiếp ra nước ngoài, khoảng 80% được bán thông qua các doanh nghiệp trong nước. Một số cơ sở chế biến đáng chú ý và chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị công nghiệp của ngành trên địa bàn tỉnh là: Cty chè Phú Bền (100% vốn nước ngoài), công suất chế biến đạt 203 tấn chè búp tươi/ngày; Cty chè Phú Đa với công suất 172 tấn chè búp tươi/ngày; Cty TNHH MTV chè Á Châu Phú Thọ có công suất 55 tấn chè búp tươi/ngày; Cty TNHH chè Ngọc Đồng (45 tấn búp tươi/ngày); Cty TNHH Thế hệ mới...
Phú Thọ được đánh giá là tỉnh có hệ thống các cơ sở chế biến chè đen với sản lượng và dây truyền công nghệ hiện đại hàng đầu cả nước. Tổng sản lượng chè xuất của tỉnh năm 2020 ước đạt 53 ngàn tấn.
- Sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của tỉnh hiện có 02 cơ sở sản xuất đáng chú ý là Cty CP sản xuất thức ăn chăn nuôi Kovi tại huyện Thanh Ba, công suất 14.000 tấn/năm và Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Cổ Tiết, công xuất 27.000 tấn/năm của Cty CP Dinh dưỡng Quốc tế Đài Loan - Chi nhánh Phú Thọ; công ty cổ phần Famous Việt Nam 85.000 tấn/năm; công ty CP đầu tư và PT Thành Hưng 50.000 tấn/năm.
• Ngành Khai khoáng: Khai thác và chế biến khoáng sản đều có tỷ trọng không đáng kể, giai đoạn 2016 - 2020 có xu hướng giảm trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh. Chỉ số IIP ngành khai khoáng năm 2017 tăng mạnh nhất giai đoạn đạt 145,52%, đến năm 2020 đạt 100,10%. Sản phẩm khai thác chủ yếu của ngành trong giai đoạn này là các loại khoáng sản như quặng sắt, secpentin, talc, than nâu... và các loại khoáng sản phục vụ cho phát triển ngành sản xuất VLXD như: Đá vôi xi măng, cao lanh-felspat, sét gạch ngói, đá xây dựng, cát sỏi... phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.
• Lĩnh vực Điện lực: Giai đoạn 2016-2020, xác định phát triển hệ thống lưới điện là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy KT-XH tại các địa phương. Ngành Công thương đã chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện đầu tư lưới điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2020. Đồng thời tham mưu với UBND tỉnh trình Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 -2025 có xét đến 2035.
Kết quả đã thực hiện đầu tư hoàn thành 01 trạm biến áp 500kV, 01 trạm biến áp 220kV, 05 trạm biến áp 110kV, cải tạo nâng công suất cho 06 trạm biến áp 110kV, đầu tư xây dựng mới 602 trạm biến áp phân phối cùng với các đường đây trung áp, hạ áp. Với các thôn bản vùng núi, vùng sâu chưa có điện hoặc chất lượng điện kém Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Công thương bố trí nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Phú Thọ. Đảm bảo khi dự án hoàn thành sẽ thực hiện cấp điện từ lưới điện quốc gia cho 104 thôn bản, trên địa bàn 23 xã của tỉnh Phú Thọ. Tổng vốn đầu tư thực hiện đầu tư giai đoạn 2016-2020 là trên 4.000 tỷ đồng. Qua đó đã tạo lập được hệ thống lưới điện đồng bộ và tương đối hoàn chỉnh. Vì vậy việc cung cấp điện đã cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và tiêu dùng nhân dân trên địa bàn tỉnh. Điện lưới quốc gia đã được cấp đến 100% số xã trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ dân có điện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đạt 99,7%. Ước thực hiện năm 2020, chỉ số IIP ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt đạt 108,6%. Việc triển khai đầu tư, tăng cường liên kết lưới điện trong vùng đảm bảo cung cấp điện ổn định, đáp ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội, nhất là phát triển công nghiệp, góp phần nâng cao hấp dẫn trong thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
3. Phát triển Công nghiệp nông thôn
Công nghiệp nông thôn vẫn còn là khu vực kinh tế có năng suất lao động thấp; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn hạn chế, phát triển chưa đồng đều. Tại một số địa phương chủ yếu tập trung quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập của người dân, bảo vệ môi trường sinh thái. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm so với yêu cầu đặt ra, trình độ khoa học và công nghệ còn thấp. Hộ kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất công nghiệp nông thôn của tỉnh Phú Thọ. Các cơ sở sản xuất phát triển đa dạng về quy mô, ngành nghề, mô hình tổ chức với nhiều sản phẩm mới, tạo nên sự đa dạng về hàng hoá, chủng loại trên thị trường.
Giai đoạn 2016-2020 đào tạo nghề truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề gắn với giải quyết việc làm cho trên 2.100 lao động; hỗ trợ 79 cơ sở CNNT đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất và ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất; 6 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực.Và hỗ trợ trên 100 cơ sở CNNT đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất và ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất sản phẩm trong lĩnh vực như: Cơ khí, chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng không nung và sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Tính đến hết năm 2020 số làng nghề đạt tiêu chuẩn được công nhận là 75 làng nghề. Các nghề phát triển chủ yếu là đan lát, nón lá, mộc dân dụng, giấy, chế biến thực phẩm, sản xuất chè, chổi chít, vật liệu xây dựng... Và đã có nhiều dự án các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh có quy mô lớn, công nghệ cao và các doanh nghiệp cũng đã chú trọng hơn vào việc đầu tư đổi mới công nghệ cũng như đa dạng hóa sản phẩm.Thông qua chương trình Khuyến công đã hỗ trợ các DN, cơ sở SX, làng nghề sản xuất các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì sản phẩm hàng hóa và tổ chức các cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của cấp tỉnh.
4. Phát triển các Khu, cụm công nghiệp.
Trong những năm gần đây, bên cạnh đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, Phú Thọ cũng đang tập trung quy hoạch và phát triển nhiều khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh. Theo quy hoạch phát triển có 7 Khu công nghiệp, diện tích 2.256 ha và 28 cụm công nghiệp, diện tích 1.368,39 ha. Các KCN, CCN đều được bố trí ở nơi có giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường thủy và đường sắt. Các khu được kết nối với nút lên xuống của đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 32C và Quốc lộ 2; thông thương với thủ đô Hà Nội, Cảng Hải phòng; các tỉnh Tây Bắc và tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc phát triển các KCN, CCN đã làm thay đổi quy mô công nghiệp của tỉnh so với nhiều năm trước. Với nhiều dự án mới đi vào hoạt động trong các khu, CCN đã làm tăng năng lực và quy mô của một số ngành sản xuất như vật liệu xây dựng, điện tử, sản xuất thép, chế biến nông sản, thực phẩm; tăng giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm và góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Đầu tư phát triển mạnh mẽ vào các KCN, CCN nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước được coi là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, đồng thời cũng là hướng đi phù hợp, góp phần để thực hiện mục tiêu sớm đưa Phú Thọ cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.
Giai đoạn 2016- 2020 đã huy động 3.741 tỷ đồng , đã đầu tư hoàn thành 1.247,8 ha, chiếm 33% diện tích . Đến hết năm 2020 có 4/7 KCN đã triển khai theo quy hoạch được duyệt, tỷ lệ lấp đầy các khu, CCN đạt >60%; trong đó KCN Thụy Vân 335 ha (mở rộng 29 ha), KCN Trung Hà 80/200 ha; KCN Cẩm Khê 100/450 ha; KCN Phú Hà 356/450 ha; 2/7 KCN đang triển khai thủ tục đầu tư (Tam Nông, Hạ Hòa); 01 KCN chưa triển khai do còn khó khăn về hạ tầng giao thông kết nối. Vốn thu hút đầu tư hạ tầng KCN 2.569 tỷ đồng, CCN 1.172 tỷ đồng). Nguồn vốn đầu tư: NSNN 2.056 tỷ đồng (KCN: 1.126 tỷ đồng, CCN: 930 tỷ đồng), nguồn vốn của doanh nghiệp: 1.685 tỷ đồng (KCN: 1.443, CCN: 242 tỷ đồng). Thu hút các dự án đầu tư hạ tầng các KCN, CCN: KCN Phú Hà (Viglacera), KCN Cẩm Khê (Cty Đức Anh- Ao Vua), CCN Bãi Ba- Đông Thành (Tự Lập), CCN Bắc Lâm Thao, CNN Thanh Minh,… Hoàn thành hơn 600 ha mặt bằng sạch, thu hút 156 nhà đầu tư thứ cấp vào các KCN, CCN
4.1. Khu công nghiệp.
Tổng diện tích đất quy hoạch 7 KCN là 2.285 ha theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt; diện tích 04 khu công nghiệp đã được thành lập và đầu tư xây dựng là 1.347,8ha /2.285 ha (59%). Diện tích đất công nghiệp thuộc 4 KCN đã cho thuê và thỏa thuận cho thuê 534,5 ha/1.019,1ha đất công nghiệp theo quy hoạch phân khu xây dựng các KCN đã đầu tư xây dựng, tỷ lệ lấp đầy 52,4 % đất công nghiệp. Đến nay, toàn bộ 306 ha của KCN Thụy Vân, 81,0 ha giai đoạn 1 của KCN Trung Hà, 119 ha giai đoạn 1 của KCN Phú Hà, 70 ha giai đoạn 1 KCN Cẩm Khê cơ bản đã được đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Trong đó có 02 KCN vốn đầu tư của doanh nghiệp, vốn đầu tư tăng ký 4.200 tỷ đồng. Luỹ kế đến hết năm 2020, đã thu hút được 155 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 12.555 tỷ đồng và 969 triệu USD. Một số dự án quy mô lớn, vốn đăng ký trên 2.000 tỷ đồng và trên 100 triệu USD, có 02 dự án công nghệ cao. Trong đó có 120 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Các KCN của tỉnh đã tạo ra không gian kinh tế góp phần thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào địa phương, góp phần đáng kể trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất công nghiệp, việc phát triển các KCN đã thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ.
Các KCN đã thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, hình thành một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao. Hầu hết các dự án đầu tư vào các KCN thuộc các lĩnh vực: điện tử, cơ khí, dệt, may, bao bì, thực phẩm, chế biến nông, lâm sản thực phẩm, bia rượu, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi... và cũng đã xuất hiện những ngành công nghiệp mới, ngành công nghiệp công nghệ cao. Một số dự án sản xuất công nghệ cao, quy mô lớn. Các kết quả trên đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu định hướng phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, với mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp góp phần quan trọng làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu cho ngân sách địa phương; đáp ứng được yêu cầu về sử dụng tiết kiệm đất đai, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho nhân dân địa phương và thu hút lao động ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Thông qua sự phát triển của các KCN, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật được hình thành, ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ và có chất lượng, tạo đà cho các ngành kinh tế khác phát triển, đặc biệt là hệ thống những tuyến đường giao thông huyết mạch, mạng lưới điện, mạng lưới thông tin,... thúc đẩy nông thôn phát triển, đa dạng ngành nghề, giảm lao động thủ công trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề phi nông nghiệp, nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Việc phát triển các khu công nghiệp và thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư đồng thời giúp thu nhập của người lao động không ngừng gia tăng, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch phát triển giữa nông thôn và thành thị, giữa vùng đồng bằng và vùng miền núi...góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
4.2. Cụm công nghiệp.
Trong đó, đã có 21 CCN được thành lập trong tổng số 28 CCN trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích quy hoạch là 1.023,02 ha. Còn lại 07 CCN chưa thành lập là: CCN Phượng Lâu 1, CCN Phượng Lâu 2, thành phố Việt Trì; CCN Phương Xá, huyện Cẩm Khê; CCN Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn; CCN Yến Mao, huyện Thanh Thủy; CCN Thanh Vinh, thị xã Phú Thọ; CCN Cổ Tiết, huyện Tam Nông.
Có 23/28 CCN có quy hoạch chi tiết xây dựng CCN được phê duyệt, trong đó diện tích đất công nghiệp 634,74 ha. CCN đang triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động là 22 CCN. Trong đó, có 01 CCN (với diện tích theo quy hoạch phát triển là 72,78ha) chưa thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng CCN nhưng đã đi vào hoạt động là CCN Cổ Tiết (huyện Tam Nông).
Đến nay tổng số dự án đã và đang đầu tư vào sản xuất kinh doanh là 130 dự án. Tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 18 CCN đã và đang đi vào hoạt động, thu hút được trên 130 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào các CCN (gồm 99 dự án trong nước và 31 dự án FDI), số vốn đăng ký đạt trên 6,1 nghìn tỷ đồng, diện tích đã đăng ký thuê là 490,3 ha. Trong đó, số dự án thực hiện là 106 dự án, với diện tích đất đã cho thuê là 254,3 ha và đã có 103 dự án đã đi vào sản xuất với tổng số vốn đầu tư đạt trên 4 nghìn tỷ đồng, tạo ra giá trị sản xuất đạt trên 11.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách 1.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho trên 14 nghìn lao động.
Thời gian qua, cùng với sự phát triển của CCN, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các địa phương có CCN cũng đã có bước phát triển mạnh. Sự hình thành và phát triển các CCN có vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển đô thị, đồng thời sự phát triển các khu chức năng khác của đô thị có tác dụng thúc đẩy công nghiệp hoá nhanh hơn và hoàn thiện đô thị.
Nhìn chung, các CCN trên địa bàn đều lựa chọn vị trí quy hoạch gần với các trục đường Quốc lộ hoặc các trục đường giao thông lớn nên thuận lợi trong đi lại và giảm tối đa chi phí đầu tư đường giao thông vào CCN. Thế nhưng, vẫn còn có dự án chưa thực hiện hoặc đang đầu tư dở do kinh phí chưa đảm bảo thực hiện. Hầu hết tất cả các CCN trên địa bàn không có hạng mục nhà ở cho công nhân trong quy hoạch chi tiết và thực tế hầu hết công nhân phải thuê nhà ở trong điều kiện chật chội không đảm bảo cuộc sống
Bên cạnh đó, các CCN chủ yếu phát triển theo mô hình đa ngành, chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề về môi trường, tác động tiêu cực tới môi trường sống xung quanh. Trong số 17 CCN đang hoạt động (có doanh nghiệp sản xuất kinh doanh) mới chỉ có 05 CCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Vì thế, tiến độ đầu tư các CCN còn chậm và thiếu đồng bộ, hạ tầng chắp vá,... chưa xây dựng được CCN có hạ tầng kiểu mẫu. Công tác thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Tỷ lệ các CCN hoạt động có hệ thống xử lý nước thải còn thấp. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật hạng mục bảo vệ môi trường CCN còn chậm.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Những kết quả đạt được:
Cơ cấu công nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH và nộp ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước. Phát triển TTCN và ngành nghề, làng nghề nông thôn đã đạt được những kết quả khả quan, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn... góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển TM-DV và đô thị.
Phát triển công nghiệp bước đầu đã có chuyển biến tích cực, mở rộng theo vùng lãnh thổ, theo hướng phát triển đa ngành, đồng thời duy trì và phát huy một số ngành công nghiệp có lợi thế, truyền thống… từ đó thúc đẩy phát triển TM-DV, đô thj hóa đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội địa phương, góp phần chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa. Khu vực công nghiệp vẫn là khu vực đóng góp quan trọng nhất vào tăng trưởng của tỉnh trong giai đoạn 2016- 2020. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp vẫn chưa trở thành yếu tố động lực cho tăng trưởng do quy mô còn nhỏ, năng suất thấp; tỉnh vẫn chưa thực sự có ngành công nghiệp đóng vai trò đầu tầu để dẫn dắt hoạt động sản xuất trên địa bàn.
Phát triển công nghiệp cơ bản phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, gắn với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã quy hoạch, gắn với phát triển vùng kinh tế động lực đã được xác định (Việt Trì, Phú Thọ, Phù Ninh, Lâm Thao, Tam Nông…) làm nòng cốt cho phát triển mạnh công nghiệp, tạo sức lan tỏa ra các địa phương xung quanh.
Tăng cường thu hút đầu tư và tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ và hiệu quả cao, các ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp thân thiện môi trường. Trong giai đoạn 2016-2020, đã hoàn thành mở rộng và đưa vào hoạt động một số dự án có giá trị sản xuất lớn, giá trị gia tăng cao.
Quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng. Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp từng bước được hoàn thiện phát triển, góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, có giá trị gia tăng cao.
Số lượng lao động công nghiệp tăng cao, trình độ lao động của lao động trong các doanh nghiệp tuy vẫn còn nhiều điều bất cập nhưng ngày càng được cải thiện, đây là một trong những thành tựu quan trọng trong phát triển công nghiệp và là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển công nghiệp ở mức độ và trình độ cao hơn so với giai đoạn cũ để tiến tới CNH - HĐH nền kinh tế.
2. Những khó khăn, tồn tại hạn chế:
Một số doanh nghiệp truyền thống gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, các sản lượng tồn kho cao; Tăng trưởng ngành dịch vụ còn hạn chế, đặc biệt là một số ngành dịch vụ chất lượng cao chưa tương xứng với tiềm năng và vai trò kinh tế mũi nhọn, đóng góp phát triển kinh tế.
Số lượng các doanh nghiệp thành lập mới tăng qua các năm, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Số lượng nhân lực qua đào tạo tăng, nhưng chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chưa thu hút được các dự án có hàm lượng công nghệ cao, có tác động lan tỏa. Năng lực đổi mới và sáng tạo khoa học công nghệ lực lượng lao động có trình độ cao còn nhiều yếu kém; đa số các cơ sở đào tạo quy mô nhỏ, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ thiếu và yếu, chất lượng hạn chế, không đáp ứng nhu cầu thị trường; chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, năng suất lao động còn thấp.
Đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào vốn NSNN, chưa thu hút được nhiều sự tham gia của các thành phần kinh tế khác. Một số nơi việc giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư còn kéo dài, dẫn đến chậm tiến độ và ảnh hưởng đến cơ hội phát triển, mở rộng sản xuất của doanh nghiệp. Kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp của tỉnh phục vụ thu hút đầu tư hiện nay còn yếu và thiếu; các KCN có lợi thế tuyến đường cao tốc mới bắt đầu xây dựng và thu hút đầu tư để xây dựng, cần có thời gian để hoàn thành từng phần, hạng mục để thu hút đầu tư sản xuất. Việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các CCN còn chậm, đến nay mới có 05 CCN đầu tư như CCN Hoàng Xá, Bãi Ba-Đông Thành, Thanh Minh, Đồng Lạng và Tử Đà - An Đạo.
Nguồn vốn đầu tư để thay đổi công nghệ sản xuât của ngành công nghiệp như giấy, hóa chất… và để chuyển dịch sang các ngành công nghệ mới như linh kiện điện tử, công nghệ sinh học… còn hạn chế. Các ngành công nghiệp hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu là do các doanh nghiệp FDI và công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào các hãng nước ngoài. Các trong nghiệp trong nước chủ yếu vẫn tập trung sản xuất ở những ngành giá trị gia tăng thấp, thâm hụt về lao động.
Do điều kiện vị trí địa lý của tỉnh kém lợi thế so với các tỉnh lân cận, xa các trung tâm kinh tế, xa cảng biển, địa hình miền núi, suất đầu tư hạ tầng KCN cao, khó thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng. Địa hình chia cắt tương đối phức tạp, nhất là các huyện miền núi, khối lượng đào đắp lớn, kinh phí san nền cao.
Công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho phát triển các ngành công nghiệp còn nhỏ, manh mún, dẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Việc chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lao động, xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm còn bất cập. Hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ sản xuất chưa cao, rất khó khăn tiếp cận và đáp ứng được yêu cầu được khách hàng.
Cơ chế chính sách cho phát triển công nghiệp chưa nhiều và linh hoạt. Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế, chưa tạo được mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hoá phù hợp với cơ chế thị trường. Nhiều doanh nghiệp đầu tư khép kín, chưa phối hợp năng lực sẵn có của các doanh nghiệp khác để tăng nội lực cho ngành và đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn. Hệ thống hạ tầng phục vụ vận tải đường sông và đường sắt chưa đáp ứng yêu cầu, do đó khâu vận chuyển và phân phối hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn.
Công tác nghiên cứu, xây dựng quy hoạch và dự báo tình hình chưa lường hết được những khó khăn, chưa sát với thực tế, chưa kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh. Việc lập và thực hiện quy hoạch điện vẫn còn bất cập, huy động vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn.
Phần thứ hai
KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2025
Nhận định giai đoạn tới, nền kinh tế thế giới vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ do căng thẳng thương mại, bất ổn chính trị, tình hình phức tạp của dịch bệnh cũng như mức độ tăng trưởng không duy trì được như trước đây. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tạo ra những thời cơ và thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Dự báo đà tăng trưởng tích cực của kinh tế thế giới đang chịu nhiều sức ép do môi trường thương mại và đầu tư toàn cầu có nhiều rủi ro, trong đó nổi lên: Xu hướng bảo hộ tăng mạnh, căng thẳng thương mại leo thang; xuất hiện áp lực lạm phát có thể đẩy nhanh hơn tiến độ thu hẹp nới lỏng tiền tệ ở nhiều nền kinh tế lớn (Mỹ, EU, Anh…), tác động đến dòng vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào các nền kinh tế đang nổi; việc triển khai chương trình cải cách thuế của Mỹ đang thúc đẩy các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng hạn chế đầu tư ra nước ngoài, đưa sản xuất về trong nước, do đó tác động đến dòng vốn quốc tế.
Tại Việt Nam, cùng với xu hướng chung của thế giới, giai đoạn 2021 - 2025 nền kinh tế phải đối mặt với những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức nhất định. Khu vực công nghiệp - xây dựng sẽ tiếp tục tăng trưởng bứt phá và trở thành khu vực dẫn dắt tăng trưởng toàn nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025 khi môi trường kinh doanh tiếp tục khởi sắc hơn, cầu trong nước cải thiện và những ảnh hưởng tích cực từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ; Đối với khu vực dịch vụ, với sự cải thiện cầu tiêu dùng, cùng với việc hiện thực hóa của cộng đồng chung ASEAN và thực thi các hiệp định thương mại tự do mang lại tự do hóa thương mại dịch vụ sẽ có nhiều tác động tích cực đến việc mở rộng phát triển các hoạt động thương mại dịch vụ tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong dài hạn khu vực công nghiệp - xây dựng sẽ đối mặt với những thách thức về giá cả một số nguyên liệu đầu vào, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất còn yếu, giá trị gia tăng trong sản xuất còn thấp, hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm chưa cao.
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, phát triển công nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều những khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp còn hạn chế do thiếu kinh phí thực hiện, đã tác động trực tiếp đến phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn. Mặt khác, trong thời gian qua, có khá nhiều quy hoạch chuyên ngành công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt với những mục tiêu, phương hướng phát triển và các giải pháp tổng thể cũng như cụ thể được xác định trong bối cảnh mới, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, nhiệm vụ kế hoạch trong chỉ đạo điều hành đòi hỏi ngành công nghiệp phải điều chỉnh cho phù hợp với các định hướng đã được đặt ra trong quy hoạch Ngành.
Thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp, hàng tồn kho lớn và kéo dài, lãi suất tín dụng, nợ xấu còn ở mức cao, hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu nhất là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và mạng lưới giao thông; Một số dự án lớn, trọng điểm triển khai đầu tư xây dựng bị chậm tiến độ, có dự án phải ngừng đầu tư xây dựng, ngừng sản xuất… ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, thu hút đầu tư và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển cũng như thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển công nghiệp... đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và ngành công nghiệp nói riêng.
I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
- Căn cứ Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025;
- Căn cứ Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 9/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035;
- Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, Nhiệm kỳ 2020 – 2025.
- Kế hoạch số 18-KH/ BCSĐ Bộ Công Thương về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Căn cứ Kế hoạch số 23-KH/TU ngày 31/8/2021 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
- Quyết định số 25/2011/QĐ-UBND ngày 28/12/2011 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030.
- Căn cứ Kế hoạch số 526/KH-UBND ngày 08/02/2021 của UBND tỉnh Phú Thọ về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 16/11/2020 của Tỉnh ủy Phú Thọ;
- Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025.
II. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Quan điểm phát triển.
Phát triển công nghiệp dựa trên nền tảng đổi mới công nghệ, chuyển đổi số mục tiêu nhằm tăng chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phầm tạo ra lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp và TTCN để chủ động tiếp cận tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Lựa chọn mô hình tăng trưởng công nghiệp dựa trên mô hình kết hợp giữa tăng trưởng theo chiều rộng kết hợp chiều sâu (trong đó tăng trưởng theo chiều sâu là chủ đạo).
Chuyển dịch cơ cấu, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên. Khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, Tập trung phát triển các ngành công nghiệp phù hợp, tiên tiến, ứng dụng chuyển đổi số, các ngành có giá trị gia tăng cao, các ngành có chi phí logistics thấp.
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng bền vững và hiện đại. Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp.
Điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý nhằm phát huy sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung đầu tư, thu hút xã hội hóa các dự án đầu tư hạ tầng các khu-CCN. Quán triệt quan điểm thu hút đầu tư các dự án thứ cấp bố trí vào các khu-CNN tập trung đảm bảo đồng bộ đáp ứng công tác quý lý nhà nước nhất là lĩnh vực ATTT và quản lý môi trường.
2. Mục tiêu phát triển:
a. Mục tiêu chung:
Phát triển công nghiệp có trọng tâm, trọng điểm theo hướng phát triển bền vững, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, các ngành, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, coi phát triển công nghiệp là then chốt. Tập trung xây dựng Kế hoạch phát triển công nghiệp, phương án phát triển các khu, cụm công nghiệp, bố trí quỹ đất hợp lý tạo không gian phát triển công nghiệp. Tập trung ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng các khu công nghiệp trọng điểm đang đầu tư và các khu công nghiệp mới; nâng cao hiệu quả hoạt động các khu, cụm công nghiệp, tạo lợi thế chi phí đầu tư hạ tầng để thu hút sản xuất kinh doanh. Quan tâm tháo gỡ khó khăn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng, sức cạnh tranh các sản phẩm, hàng hóa trên thị trường. Chú trọng thu hút dự án đầu tư có chọn lọc, phát triển công nghiệp xanh, bền vững, công nghệ hiện đại, sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, công nghiệp điện tử... phát triển một số ngành công nghiệp mới, đáp ứng được yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác.
Đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, tạo sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để thu hút các nguồn lực đầu tư. Tăng cường thu hút đầu tư vào phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt các ngành nghề mới và công nghệ cao như: Công nghiệp điện tử - bán dẫn và công nghệ thông tin; công nghiệp hóa dược và tân dược; công nghiệp chế biến sâu về khoáng sản, nông lâm sản; vật liệu mới; công nghệ sinh học... và công nghiệp hỗ trợ, tập trung chủ yếu vào các ngành có chi phí logictis cạnh tranh như công nghiệp nhẹ, công nghiệp phần mềm, hóa dược, dược phẩm.
Phát triển công nghiệp Phú Thọ theo hướng hiện đại và từng bước chuyên môn hóa cao, chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp hướng đến các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ gắn kết với phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh và trong toàn Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Duy trì và phát triển các nhóm ngành công nghiệp như Ngành công nghiệp hóa chất, phân bón; Ngành công nghiệp chế biến giấy; công nghiệp dệt may – da giày; Ngành vật liệu xây dựng; Công nghiệp sản xuất cơ khí và luyện kim; Chế biến chè; Công nghiệp khai khoáng. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp như: ngành Chế tạo máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp; Công nghiệp thiết bị y tế, thiết bị nâng hạ, bốc xếp cảng, phục vụ sản xuất ô tô, xe máy; Công nghiệp chế tạo thiết bị nâng dỡ; Công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, quang học, nghe nhìn, viễn thông và thiết bị gia đình; Công nghiệp sản chế biến thực phẩm, đồ; Chế biến gỗ, lâm sản. Công nghiệp dệt may, da giày, may mặc ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; công nghiệp hỗ trợ.
b. Mục tiêu cụ thể:
- Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 đạt 9,8%/ năm.
Trong đó:
- Chỉ số IIP ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,2%
- Chỉ số IIP ngành Công nghiệp khai khoáng tăng 13,3%
- Chỉ số IIP ngành Sản xuất và phân phối điện, khi đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 9%
- Chỉ số IIP ngành Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3%
- Cơ cấu ngành CN-XD đến năm 2025 đạt 40,5%.
(Theo đúng chỉ tiêu Kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh Quyết định ban hành)
IV . KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHỦ YẾU GIAI ĐOẠN 2021-2025.
A. NHÓM CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP KHUYẾN KHÍCH VÀ ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN.
1. Công nghiệp cơ khí, SX kim loại.
1.1. Định hướng phát triển
Ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm: Máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, ô tô và phụ tùng cơ khí, thép chế tạo, kim loại màu và vật liệu mới.
1.2. Mục tiêu phát triển
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm giai đoạn 2021- 2025 đạt 16,6%/ năm
1.3. Giải pháp phát triển
Lựa chọn và tập trung đầu tư có trọng điểm cho một số đơn vị nghiên cứu nhằm nâng cao năng lực thiết kế đáp ứng yêu cầu phát triển.
Kêu gọi đầu tư phát triển sản xuất thép chế tạo cho ngành cơ khí: thép tấm, thép hình, thép hợp kim
Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và đổi mới công nghệ sản xuất, thay thế, loại bỏ các dây chuyền sản xuất cũ sang các dây chuyền đồng bộ, hiện đại, cho hiệu quả và năng suất cao.
2. Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống
2.1. Định hướng phát triển
Phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa đổi mới công nghệ và thiết bị; tạo điều kiện liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp lớn trong Vùng và cả nước.
Phát triển một số ngành công nghiệp chế biến mũi nhọn, có lợi thế nguồn nguyên liệu tại địa phương, có thị trường tiêu thụ và xuất khẩu (như sản phẩm chè...); khuyến khích xây dựng cơ sở chế biến hoa quả, chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất đồ uống và chế biến thực phẩm (thịt bò, thịt lợn, gia cầm).
2.2. Mục tiêu: Phấn đấu giai đoạn 2021 – 2025 tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm đạt 8%/ năm
2.3. Giải pháp phát triển
Công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống
Nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trên cơ sở mở rộng thị trường và phục vụ nhu cầu của khách du lịch và người dân, cần khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm súc sản, thực phẩm ăn liền, các sản phẩm nước khoáng, nước hoa quả... theo công nghệ hiện đại.
Tiếp tục phát triển một số dây chuyền giết mổ, chế biến, đông lạnh thịt gia súc, gia cầm với quy mô phù hợp, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và môi trường.
Đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng các sản phẩm xuất khẩu.
Chế biến Chè
Khuyến kích xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh chè gắn với hình thành điểm tham quan du lịch giới thiệu quy trình sản xuất, chế biến chè phục vụ khách tham quan và mua sắm; đặc biệt chú trọng tại các đia phương có tiềm năng phát triển du lịch. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết, đặc biệt là dưới hình thức Công ty cổ phần nhằm huy động và thu hút vốn trong và ngoài nước cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm chè Phú Thọ.
Ưu tiên các sản phẩm ứng dụng và áp dụng khoa học công nghệ vào khâu chế biến, nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có sức cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện môi trường.
Ưu tiên sản phẩm chế biến xuất khẩu có tính cạnh tranh cao, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng của tỉnh.
Công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi
Hình thành các cơ sở chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản có quy mô vừa và nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi cung cấp cho toàn tỉnh với nguyên liệu từ nông sản, thủy sản có sẵn.
3. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
3.1. Định hướng phát triển
Phát triển công nghiệp VLXD trên cơ sở sử dụng tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Lựa chọn quy mô đầu tư hợp lý. Tranh thủ các cơ hội để đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh.
Nghiên cứu và khuyến khích phát triển các loại vật liệu mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, từng bước nâng cấp và thay thế công nghệ, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Phát triển công nghiệp VLXD trên cơ sở căn cứ Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 và Nghị định số 09/2021/NĐ-CP ngày 9/02/2021 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng.
3.2. Mục tiêu phát triển
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tăng thêm của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng giai đoạn 2011 - 2025 đạt 11,5%/ năm
3.3. Giải pháp phát triển
Phát triển các loại vật liệu xây dựng thân thiên với môi trường, vật liệu cách âm, cách nhiệt và vật liệu tiết kiệm năng lượng, các loại vật liệu mới sử dụng trong xây dựng.
Tiếp tục duy trì công suất các dự án xi măng hiện có. Hạn chế đầu tư mở rộng, nâng công suất các dự án xi măng tại thành phố, thị xã và khu vực tập trung đông dân cư, các khu vực cảnh quan, môi trường thiên nhiên cần được bảo vệ. Tổ chức triển khai chương trình triển khai các loại vật liệu không nung chất lượng cao. Khuyến khích các doanh nghiệp triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ xây dựng tiên tiến trong sản xuất VLXD, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
4. Công nghiệp hóa chất, phân bón
4.1. Phương hướng phát triển
Ưu tiên các sản phẩm hóa chất cơ bản, phân bón hữu cơ phù hợp với nhu cầu mới của nông nghiệp sạch, sản xuất linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật, các sản phẩm hóa dược (nếu có).
4.2.Mục tiêu phát triển
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm giai đoạn 2021 – 2025 đạt 5,8%/năm.
4.3. Giải pháp phát triển
Ổn định các nhà máy sản xuất hiện có và tiếp tục thu hút các dự án chưa đầu tư trong giai đoạn trước. Khuyến khích đầu tư chiều sâu để tiếp tục nâng công suất thiết kế các dự án đã có.
Xem xét mở rộng một số dự án trên cơ sở áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có khả năng cạnh tranh, an toàn với môi trường trong sử dụng, đặc biệt cần chú trọng về môi trường trong sản xuất.
Tiếp tục phát triển các dự án sản xuất như: Phân hữu cơ, vi sinh, các sản phẩm hóa chất cơ bản, hóa dược…Phát triển các sản phẩm hóa chất có gốc Sunphat, sunphit, phốt phát, florua, silicat…
5. Công nghệp dệt may - da giày
5.1. Định hướng phát triển
Phát triển của ngành dệt may - da giày hướng vào xuất khẩu. Tổ chức sản xuất và nâng cao công nghệ nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và giảm dần tỷ lệ gia công.
Tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của ngành dệt may - da giày trong và ngoài nước. Ưu tiên đầu tư từ các doanh nghiệp lớn và FDI, doanh nghiệp Dệt may cao cấp.
Khuyến khích phát triển các dự án sản xuất nguyên, phụ liệu và công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành dệt may-da giày, dệt may cao cấp, sản xuất bao bì PP, PE từng bước tăng tỷ lệ nội địa hóa và tiến tới giảm dần tình trạng phụ thuộc nguyên, phụ liệu nhập khẩu.
5.2. Mục tiêu phát triển
Mục tiêu về giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp dệt may – da giày tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2025 đạt 10%/ năm
5.3. Giải pháp phát triển
Thực hiện đa dạng hóa sản xuất sản phẩm và chủ động phát triển nguồn nguyên phụ liệu. Đẩy mạnh khai thác các thị trường xuất khẩu truyền thống; phát huy tối đa các lợi thế của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương; thúc đẩy các thị trường tiềm năng như Nga, Trung Đông, Đông Âu, châu Phi; xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ mang thương hiệu Việt Nam.
Tập trung vào nghiên cứu thiết kế sản phẩm để có thương hiệu riêng. Các sản phẩm may mặc tập trung vào thiết kế phù hợp với khí hậu, sản phẩm da, giầy lựa chọn các loại sản phẩm không thấm nước, giầy bảo hộ và chuyên dùng… phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Khuyến khích phát triển các cơ sở may mặc, da giày tại các cụm công nghiệp và khu vực nông thôn. Đầu tư chiều sâu, nâng cao năng xuất lao động, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm; quan tâm việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
6. Công nghiệp chế biến nông sản
6.1. Định hướng phát triển
Ưu tiên nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, chế biến gỗ phù hợp với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất chế biến nông sản, xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh của nông sản trên địa bàn tỉnh.
Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ tham gia trồng rừng, phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương. Đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành chế biến và sản xuất sản phẩm gỗ: sản xuất sơ chế gỗ đầu vào, cung cấp các nguyên phụ liệu cho sản xuất gỗ, giảm nhập khẩu.
6.2. Giải pháp phát triển
Phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo một phần nguyên liệu và ổn định sản xuất cho các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh.
Thu hút các dự án đầu tư và đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm gỗ cao cấp, gỗ ván ghép thanh, MDF, HDF. Thu hút đầu tư các nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Áp dụng các công nghệ chế biến nguyên liệu và sản xuất đồ gỗ, nâng cao chất lượng sản phẩm sau chế biến. Khuyến khích nghề mộc dân dụng chuyển dần từ sử dụng nguyên liệu gỗ tự nhiên sang sử dụng gỗ rừng trồng và gỗ ghép thanh công nghiệp.
7. Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản
7.1. Phương hướng phát triển
Phát triển ngành khai thác khoáng sản đáp ứng nhu cầu cho ngành chế biến khoáng sản và sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh.
Khai thác và chế biến khoáng sản với quy mô từng mỏ và công nghệ tiên tiến theo hướng tiết kiệm, hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước.
Tăng cường đầu tư chế biến sâu để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
7.2. Mục tiêu: Phấn đấu giai đoạn 2021-2025 tỷ trọng trong ngành công nghiệp đạt 0,8%.
7.3. Giải pháp phát triển
Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến khoáng sản đầu tư đổi mới công nghệ, gia tăng chất lượng sản phẩm. Phát triển chế biến khoáng sản từ nguồn nguyên liệu có sẵn từ các mỏ đang khai thác.
Tích cực thu hút đầu tư các dự án chế biến sâu về khoáng sản, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và nâng cao giá trị các sản phẩm sau chế biến.
8. Công nghiệp điện tử - Viễn thông
8.1. Định hướng phát triển
Ưu tiên phát triển các sản phẩm thiết bị máy tính, điện thoại và linh kiện và các dịch vụ công nghệ thông tin.
8.2. Mục tiêu phát triển
Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp điện tử đạt 20%/ năm.
8.3. Giải pháp phát triển
Khuyến khích phát triển các phần mềm, đặc biệt là phần mềm nhúng trong các thiết bị phần cứng, điện tử, viễn thông, đáp ứng nhu cầu nội địa.
Thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực thiết điện tử viễn thông có tiếng trên thế giới, tập trung vào cách sản phẩm lĩnh vực đáp ứng cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và phù hợp với nhu cầu thị trường giai đoạn tới
Tăng tỷ lệ nội địa hóa, chuyển dần từ lắp ráp các bộ phận và gia công đơn giản sang sản xuất các sản phẩm có độ phức tạp và có giá trị gia tăng cao đáp ứng nhu trong nước và xuất khẩu.
Đa dạng hóa sản phẩm phục vụ xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số, đô thị thông minh, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, sản phẩm, dịch vụ, nội thất gia đình thông minh.
Đầu tư xây dựng hạ tầng, mặt bằng hoặc các cơ sở vật chất khác phù hợp với điều kiện của địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông.
9. Công nghiệp năng lượng mới - Năng lượng tái tạo
9.1. Định hướng phát triển
Thúc đẩy phát triển các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, biogas, biomas,...
9.2. Giải pháp phát triển
Tập trung ứng dụng công nghệ cao cho nguồn phát điện năng lượng mặt trời, biogas, biomas,... Hỗ trợ công tác đầu tư hạ tầng cho các công trình điện trên địa bàn.
10. Công nghiệp hỗ trợ.
10.1. Định hướng phát triển
Xây dựng và phát triển công nghiệp hỗ trợ có giá trị gia tăng cao trở thành một ngành công nghiệp chủ lực, đảm bảo sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng cạnh tranh cao và nhu cầu thiết yếu cho sản xuất góp phần tăng tỷ trọng của công nghiệp vào nền kinh tế.
Ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu nội địa với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, giá trị gia tăng cao.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ phải gắn với việc bảo vệ môi trường trên cơ sở áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, đổi mới công nghệ, có giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm.
10.2. Mục tiêu phát triển
Ưu tiên phát triển CNHT nhằm nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và tính năng động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo sức hút để các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn lựa chọn Phú Thọ làm điểm đến.
Giảm dần các ngành sản xuất thâm dụng lao động chưa qua đào tạo, lao động phổ thông. Thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp lớn có tiềm năng về công nghệ, thị trường và vốn đầu tư xây dựng những dự án có quy mô lớn, làm nền tảng, có tính lan tỏa cao, từ đó thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp để tạo hành lang thuận lợi cho các doanh nghiệp CNHT phát triển. Xây dựng và hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào tỉnh, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị ở một số chuyên ngành lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên địa bàn
10.3. Giải pháp phát triển
Xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển
Đảm bảo và huy động hiệu quả nguồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ. Thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng.
Xây dựng các khu-CCN hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm. Bố trí địa điểm các doanh nghiệp hợp lý để nâng cao hiệu quả xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và thị trường ngoài nước để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển.
11. Công nghiệp nông thôn.
11.1. Định hướng và mục tiêu phát triển:
Thúc đẩy phát triển công nghiệp khu vực nông thôn theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, góp phần tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp;
Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền, phù hợp với nhu cầu thị trường;
Nâng cao tốc độ phát triển CNNT, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động;
Ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường. Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là thợ lành nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật trong các cơ sở công nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển.
11.2. Giải pháp phát triển:
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung hoạt động khuyến công theo Chương trình khuyến công tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt;
Tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các đề án khuyến công tạo nên chuỗi giá trị trong một số ngành, lĩnh vực là thế mạnh điển hình của địa phương. Đẩy mạnh các nội dung hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến nhằm giúp các cơ sở CNNT tạo ra được những sản phẩm tiêu biểu, có chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm khác.
Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, giữa các huyện, thành, thị trong tỉnh và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công.
Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền, cung cấp kịp thời thông tin về cơ chế chính sách đối với hoạt động khuyến công và phát triển công nghiệp, thương mại; trên cơ sở đó rà soát cập nhật đăng tin, bài, các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động khuyến công, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp.
Chú trọng lồng ghép chương trình với các dự án, chương trình mục tiêu khác để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của cá nhân, tổ chức của toàn xã hội trong và ngoài nước đầu tư phát triển CNNT; Tăng cường hỗ trợ khuyến công đối với các huyện nghèo, địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn, xã nông thôn mới.
B. PHÁT TRIỂN CÁC KHU- CỤM CÔNG NGHIỆP.
1. Định hướng phát triển:
Phát triển các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phải phù hợp với quy hoạch tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là phương án phát triển ngành công nghiệp của tỉnh nhằm tạo bộ khung lãnh thổ cho tỉnh đồng thời tránh xung đột về không gian phát triển với các ngành, lĩnh vực khác.
Phát triển các KCN, CCN đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh Phú Thọ nhờ nâng cao hiệu quả sử dụng đất, kết cấu hạ tầng, nguồn lao động và nguyên liệu tại chỗ, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ đó góp phần nâng cao thu nhập của người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho Tỉnh.
Từng bước tiến tới thu hút có chọn lọc đối với các dự án đầu tư, tập trung vào các KCN, CCN; ưu tiên dự án có quy mô vốn lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả tài nguyên và nguồn nhân lực chất lượng cao; huy động nguồn lực của mọi thành phần kinh tế để xây dựng hạ tầng KCN, CCN.
2. Mục tiêu chung.
Phát triển các KCN, CCN với quy mô phù hợp theo từng giai đoạn nhằm định hướng quỹ đất, phát triển hạ tầng cơ sở trọng điểm vào những khu vực có tiềm năng, đáp ứng nhu cầu mở rộng mặt bằng sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư, khoa học công nghệ, giải quyết việc làm và bảo vệ môi trường; gắn sản xuất với thị trường, vùng nguyên liệu;
Phấn đấu diện tích đất công nghiệp cho thuê năm 2025 đạt khoảng 700-760ha. Hình thành một số khu vực trọng điểm trong các KCN để phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ đóng góp trong chuỗi liên kết sản xuất và các ngành công nghiệp ưu tiên mang tính đột phá dọc các tuyến trục giao thông quan trọng kết nối với các cảng biển, sân bay và cửa khẩu; tập trung lấp đầy và rà soát lựa chọn các loại hình KCN thích hợp đối với các KCN đã xây dựng. Tiếp tục tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến – chế tạo như: chế biến nông, lâm sản – thực phẩm, hàng tiêu dùng, giấy, vật liệu xây dựng; công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo máy, vật liệu xây dựng mới, hóa – dược phẩm, chế biến thực phẩm, may mặc,…
Đối với các CCN: Diện tích đất công nghiệp cho thuê năm 2025 đạt khoảng 700-710ha. Phát triển các CCN gắn với công nghệ tiên tiến dựa trên các đặc trưng và thế mạnh của từng địa phương, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp đồng thời tạo hạt nhân thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở các địa phương, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.
3. Định hướng phân bố không gian các Khu – CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Phát triển các KCN, CCN của Tỉnh tập trung ở vùng “Công nghiệp động lực” gồm thị xã Phú Thọ và các huyện Thanh Ba, Cẩm Khê, Phù Ninh và Tam Nông nhằm phát huy thế mạnh về vị trí địa lí và khả năng kết nối liên tỉnh thông qua 2 tuyến đường bộ cao tốc, đường sắt và đường sông. Thị xã Phú Thọ là hạt nhân của tiểu vùng, ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, lựa chọn những ngành có công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao, có cam kết chuyển giao công nghệ, phát triển các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Ở các địa phương còn lại, các ngành công nghiệp có triển vọng thu hút là chế biến thực phẩm – đồ uống, chế biến nông, lâm sản, dệt may, da giày, điện tử,…
Phát triển các KCN, CCN tại vùng “Công nghiệp Tây Bắc” gồm các huyện Đoan Hùng, Hạ Hòa dựa trên lợi thế về giao thông tương đối thuận lợi (nhưng vị trí cách xa thủ đô Hà Nội và các cảng biển hơn so với vùng “Công nghiệp động lực”). Tại các địa bàn này hiện nay mới có các CCN đi vào hoạt động trong khi các KCN chưa được hình thành. Các ngành công nghiệp khuyến khích thu hút vào các KCN, CCN ở khu vực này bao gồm sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm - đồ uống, chế biến chè, thức ăn gia súc, chế biến gỗ,...
Phát triển các KCN, CCN tại vùng “Công nghiệp Tây Nam” gồm các huyện Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn là địa bàn khó khăn trong phát triển công nghiệp nói chung và các KCN, CCN nói riêng do hạn chế về giao thông kết nối. Trong giai đoạn trước mắt cân ưu tiên phát triển hình thức CCN gắn với các hoạt động chế biến nông lâm sản, thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng (gạch xây dựng các loại), cơ khí…
Khu vực Tp Việt Trì, huyện Lâm Thao và huyện Thanh Thủy hạn chế hình thành mới và phát triển các KCN, CCN do ưu tiên quỹ đất cho phát triển đô thị, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
4. Kế hoạch phát triển một số Khu-CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
- Phát triển các Khu Công nghiệp:
a) Đối với việc quy hoạch phát triển Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2025:
Triển khai thực hiện 8 Khu công nghiệp bao gồm:
+ Triển khai 07 Khu công nghiệp được Thủ tướng phê duyệt danh mục các KCN phát triển đến năm 2020 [1] bao gồm: (1) Dự án KCN Thuỵ Vân: 335 ha (giữ nguyên); (2) Dự án KCN Trung Hà: 200 ha; (3) Dự án KCN Phú Hà: 400 ha; (4) Dự án KCN Cẩm Khê: 450 ha; (5) Dự án KCN Tam Nông: 110 ha; (6) Dự án KCN Hạ Hoà: 110; (7) Dự án KCN Phù Ninh: 91 ha; (8) KCN Đại An 80 ha.
+ 01 Khu công nghiệp mới (KCN Đại An, huyện Thanh Ba) đang thực hiện lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 và đã tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Phú Thọ đến 2030, định hướng 2050”.
[1]: Quy hoạch được phép kéo dài đến khi quy hoạch tỉnh được duyệt theo Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH-14 ngày 16/08/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02/12/2019 của Chính phủ.
- Phát triển các cụm công nghiệp:
Kế hoạch phát triển các CCN đến năm 2025 với tổng số 34 CCN tổng diện tích là 1.787,8 ha, cụ thể như sau:
+ Giữ nguyên danh mục, vị trí, diện tích theo quy hoạch đối với 22 CCN với tổng diện tích là 1.077,8 ha.
+ Bổ sung mới đối với 12 CCN với tổng diện tích là 710 ha.
(Có danh mục kèm theo)
C. PHÂN BỔ KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP
- Vùng công nghiệp động lực trung tâm: Gồm thị xã Phú Thọ, huyện Phù Ninh và các huyện Cẩm Khê, Thanh Ba, Hạ Hòa và một phần của huyện Đoan Hùng. Thu hút đầu tư và lựa chọn những ngành, sản phẩm công nghệ có hạm lượng công nghệ cao và giá trị gia tăng cao, sử dụng ít lao động và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình sản xuất.
- Vùng công nghiệp Tây Nam: Gồm các huyện: Yên Lập Thanh Sơn và Tân Sơn. Phát triển và hình thành các vùng trồng cây công nghiệp tập trung, phát triển lâm nghiệp, cây nông nghiệp và chăn nuôi đại gia súc tạo nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến.
- Vùng công nghiệp Đông Nam: Gồm Thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao, Tam Nông và Thanh Thủy. Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, đảm bảo phát triển bền vững về môi trường sinh thái phục vụ phát triển du lịch lễ hội, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
+ Thành phố Việt Trì: Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến rau quả, chế biến chè, hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch...
+ Huyện Lam Thao và huyện Thanh Thủy: Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, bảo vệ môi trường phục vụ phát triển du lịch sinh thải và nghỉ dưỡng.
III. DỰ BÁO NHU CẦU VỐN VÀ LAO ĐỘNG
1. Dự báo nhu cầu vốn cho ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2025
Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành công nghiệp tỉnh được tham khảo trên cơ sở hệ số Icor của cả nền kinh tế, ngành công nghiệp của tỉnh, suất vốn đầu tư hạ tầng khu- CCN, cũng như tham khảo thêm từ thống kê lượng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh và mức tăng trưởng ngành công nghiệp tỉnh trong giai đoạn phát triển vừa qua. Dự báo nhu cầu vốn đầu tư cho ngành công nghiệp Phú Thọ theo giai đoạn 2021-2025 như sau:
Tổng vốn đầu tư dự kiến cần có cho toàn ngành công nghiệp (trừ nguồn đầu tư năng lượng, có kế hoạch riêng) trong giai đoạn 2021-2025 là: 61.624 tỷ đồng.
Trong đó:
- Vốn đầu tư cho phát triển CN: 50.459 tỷ đồng, (trong đó đã bao gồm 23,270 tỷ cho hoạt động khuyến công trong Chương trình khuyến công được UBND tỉnh phê duyệt).
- Vốn đầu tư hạ tầng Khu-CCN: 11.165 tỷ đồng (Căn cứ để tính toán: Quyết định số 65/QĐ-BXD ngày 20/01/2021 của Bộ Xây dựng về việc Ban hành suất vốn đầu tư và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2020.
Đối với tỉnh Phú Thọ (Vùng I, hệ số điều chỉnh là 0,898, suất vốn đầu tư Khu-CCN dưới 100 ha là 8,3 tỷ đồng/ha (9.250 triệu đồng/ha x 0,898), từ 100 - 300ha là 7,65 tỷ đồng/ha (8.520 triệu đồng/ha x0,898).
Tổng vốn đầu tư hạ tầng KCN-CCN Giai đoạn 2021-2025 dự kiến là 11.165 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến đầu tư hạ tầng KCN là 700 ha (5.810 tỷ đồng), CCN là 700 ha (5.355 tỷ đồng).
Nguồn kinh phí thực hiện: Kinh phí từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh sẽ được tập trung vào các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng như hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hoạt động khuyến công và các công trình phục vụ hỗ trợ công nghiệp khác. Kinh phí tham gia của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp tư nhân, FDI và cộng đồng dân cư.
2. Nhu cầu lao động cho ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2025
Nhu cầu lao động ngành công nghiệp được tính toán trên cơ sở năng suất lao động công nghiệp của tỉnh trong các giai đoạn phát triển; xu hướng và tỷ trọng lao động ngành công nghiệp trên tổng dân số, nhu cầu lao động tăng thêm toàn tỉnh trên cơ sở Kế hoạch phát triển KTXH Phú Thọ 5 năm 2021-2025,... dự báo nhu cầu lao động cho công nghiệp của tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 như sau: Đến năm 2020, tổng lao động toàn ngành công nghiệp là 149.300 lao động. Dự kiến đến năm 2025 cần có lực lượng lao động cho ngành là 173.079 lao động, tăng thêm so với giai đoạn 2016-2020 là 23.779 lao động.
Phần thứ ba
NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1.Triển khai thực hiện đồng bộ Nghị quyết số 124/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kế hoạch số 18-KH/ BCSĐ Bộ Công Thương về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Triển khai quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển các doanh nghiệp tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển công nghiệp của tỉnh. Nghị quyết sô 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Kế hoạch số 23-KH/TU ngày 31/8/2021 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
2. Tập trung triển khai cụ thể hóa các khâu đột phá về phát triển công nghiệp. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng điện, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường sự chỉ đạo điều hành có hiệu quả của Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm của tỉnh, các hướng dẫn đền bù GPMB tạo mặt bằng sạch để thu hút đầu tư. Xây dựng cơ chế hỗ trợ các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu-CCN trong việc bố trí vốn ngân sách tỉnh đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật kết nối bên ngoài hàng rào Khu cụm công nghiệp, khu nhà ở công nhân để các KCCN đã được quy hoạch có tính khả thi cao, cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án đang triển khai đưa vào sản xuất, đưa sản phẩm mới ra thị trường. Chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp truyền thống, có lợi thế về vùng nguyên liệu và thị trường. Đẩy mạnh thu hút các dự án công nghệ cao vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy mạnh hoạt động khuyến công; phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.
3. Triển khai tích hợp quy hoạch ngành công thương vào quy hoạch tỉnh; bố trí hợp lý cơ sở sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện hỗ trợ và thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn. Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra ngoài thành phố Việt Trì giai đoạn sau năm 2021, theo đúng nội dung Quyết định 1214/QĐ-TTg ngày 30/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến năm 2030.
4. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển. Củng cố và phát triển ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề, làng có nghề. Khuyến khích liên doanh, liên kết sản phẩm theo cụm, nhóm làng nghề để tăng khả năng huy động vốn và tiêu thụ sản phẩm; chú trọng đến công tác marketing sản phẩm đến người tiêu dùng.
5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong phát triển công nghiệp, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương trong công tác quản lý công nghiệp và hoạt động SXKD của các doanh nghiệp.
Tập trung nắm bắt, từng bước tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường để phục hồi và phát triển sản xuất công nghiệp cho các doanh nghiệp sản xuất. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn cũng như được hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời rà soát điều chỉnh, bổ sung một số chính sách của tỉnh để hỗ trợ các ngành nghề phục hồi và phát triển.
6. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất kinh doanh, đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính và đảm bảo chức năng quản lý nhà nước theo hướng đơn giản, hiệu quả, minh bạch và tiết kiệm. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tích cực xúc tiến thu hút đầu tư vào các KCN, CCN, ưu tiên lựa chọn các dự án có công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ, các dự án quy mô lớn, có khả năng đóng góp nhiều cho ngân sách, không thâm dụng lao động, đất đai.
7. Coi trọng và đáp ứng tốt thị trường trong nước, nâng cao khả năng tiếp thị của các doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ thị trường nông thôn. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tìm kiếm thị trường cũng như giới thiệu sản phẩm trên mạng. Tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành được tổ chức trong và ngoài nước để tìm kiếm thị trường mới cũng như nắm bắt kịp thời xu thế tiêu dùng đối với các loại sản phẩm chủ yếu và có thế mạnh của tỉnh. Chú trọng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao.
8. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm của nhau, sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này là sản phẩm đầu vào của doanh nghiệp khác. Đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm nội địa, qua đó thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như: tổ chức các hội chợ, triển lãm, các chương trình khuyến mại hàng Việt Nam…, đặc biệt là các chương trình bán hàng Việt Nam về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành giải quyết kịp thời các vấn đề về cơ chế tài chính, thủ tục hải quan...để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất và xuất khẩu; các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu phải chủ động mở rộng thị trường; đa phương hoá và đa dạng hoá quan hệ với các đối tác trong và ngoài khu vực; tích cực tìm hiểu, tìm cơ hội xuất khẩu vào các thị trường mới, có tiềm năng nhằm hạn chế rủi ro biến động thị trường.
9. Phát triển hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin- truyền thông trong phát triển công nghiệp, nhất là hạ tầng kết nối số đảm bảo an toàn, đồng bộ đáp ứng nhu cầu phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân dễ dàng, thuận lợi, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số.Lựa chọn đúng công nghệ cần đổi mới tranh thủ tối đa việc tiếp nhận thiết bị và công nghệ tiên tiến.
10. Thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Thực hiện lồng ghép các yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường trong quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển công nghiệp. Ưu tiên, khuyến khích các dự án đầu tư sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Tăng cường công tác tham mưu trong thẩm định dự án, không thu hút các dự án nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, cương quyết không đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế.
11. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp. Thực hiện cơ cấu lại hệ thống quản lý công nghiệp, đặc biệt ở cấp huyện, bảo đảm tập trung, thông suốt, hiệu quả, rõ người, rõ trách nhiệm. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành; giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện thành thị trong hoạch định và thực thi chính sách đảm bảo hiệu quả, thống nhất.