Ngành Công Thương Phú Thọ, 70 năm xây dựng và trưởng thành
Ngày 31/7/2007, Quốc hội Khóa XII thông qua Nghị quyết số 01/2007/NQ-QH12 hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương hiện nay. Ngày 02/10/2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng 5 hàng năm là “Ngày truyền thống của Ngành Công Thương Việt Nam”.
Ở mỗi giai đoạn lịch sử, Ngành Công Thương luôn là ngành kinh tế quan trọng, tạo ra của cải vật chất cung cấp cho nhu cầu xã hội. Mỗi thành công của Cách mạng Việt Nam đều mang đậm dấu ấn thành tích của ngành Công nghiệp và Thương mại qua các thời kỳ. Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngành Công Thương càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Trải qua 70 năm phấn đấu liên tục, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và lao động Ngành Công Thương đã vượt qua mọi khó khăn,hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ ngày thành lập đến nay, sự phát triển của ngành Công thương Phú Thọ luôn gắn với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phú Thọ là một tỉnh có nền công nghiệp được Nhà nước đầu tư phát triển tương đối sớm, cùng với thời kỳ khôi phục, cải tạo và xây dựng công nghiệp xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, trải qua nhiều bước thăng trầm, những chặng đường khó khăn thử thách, ngành Công thương Phú Thọ nắm giữ nhiều lĩnh vực sản xuất then chốt của nền kinh tế, sản phẩm của ngành không chỉ phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nhiều nước trên thế giới. Trải qua các thời kỳ phát triển ngành Công thương Phú Thọ đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
I. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ
1. Thời kỳ kháng chiến chống chiến tranh phá hoại, bảo vệ Tổ quốc 1951 – 1975
Ngày 14/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22/SL thành lập Sở Mậu dịch Quốc doanh Trung ương. Từ thời điểm lịch sử này, Ngành thương nghiệp Quốc Doanh Việt Nam chính thức ra đời. Trong thời gian chưa đầy một năm, mạng lưới thương nghiệp Quốc doanh đã được hình thành rộng rãi ở khắp nơi với tên gọi Phân Sở Mậu dịch, Chi Sở Mậu dịch. Cũng ở thời điểm lịch sử này, Chi Sở Mậu dịch Phú Thọ được ra đời vào cuối năm 1951, trụ sở đặt tại xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa ngày nay. Do yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng đặt ra, thương nghiệp Phú Thọ từ một chi Sở Mậu dịch kinh doanh tổng hợp, để chuẩn bị xây dựng ngành Công nghiệp địa phương, tháng 7 năm 1959 cả 2 tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc đều thành lập Ty Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp, tách từ Ty Công Thương nghiệp. Lúc này Ty Công nghiệp Phú Thọ đã phát triển, phương thức hoạt động Thương nghiệp lúc này chủ yếu là thu mua theo kế hoạch của Nhà nước, nhiệm vụ của ngành trong thời kỳ này rất lớn, nặng nề có thể nói công nghiệp là người nội trợ cho toàn xã hội.
* Cùng với Khu Công nghiệp Việt Trì được xây dựng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp địa phương lần lượt được ra đời đã góp phần phục vụ kịp thời cho công cuộc khôi phục và xây dựng phát triển kinh tế. Sau khi hoàn thành công cuộc cải tạo và khôi phục kinh tế (1961-1965) với kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, công nghiệp Phú Thọ được chú trọng phát triển, nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 2,71 lần so với năm 1960 và sản phẩm công nghiệp đã đáp ứng yêu cầu về tư liệu sản xuất và tiêu dùng cho nhân dân trong tỉnh. Tốc độ phát triển công nghiệp tăng bình quân hàng năm 10,4%.
Những năm 1966 - 1975, Sản xuất công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp bị địch đánh phá ác liệt, gây tổn thất nặng nề. Vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng trăm thanh niên trong ngành công nghiệp tỉnh Phú Thọ đã rời xưởng máy xung phong lên đường nhập ngũ chiến đấu. Công nghiệp Phú Thọ đã kịp thời chuyển hướng sản xuất phục vụ nhu cầu hậu cần tại chỗ và nhu cầu quốc phòng. Công nghiệp truyền thống mũi nhọn của tỉnh gồm: Giấy, dệt may, phân bón, hóa chất, xăng dầu… góp phần cung cấp vật tư, hàng hóa cho kháng chiến. Sau khi hợp nhất tỉnh (năm 1968) số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp địa phương lên tới 41 đơn vị. Công nghiệp đã thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn đang trong thời kỳ đẩy mạnh cải tạo quan hệ sản xuất. Các xí nghiệp cơ khí đã cung cấp kịp thời nhiều công cụ cải tiến, công cụ cầm tay, cung cấp tư liệu sản xuất cho sản xuất TTCN, đã giải quyết cơ bản cho nhu cầu sản xuất nông lâm nghiệp, tiêu dùng của nhân dân giúp giảm nhẹ sức lao động.
* Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ năm đã đề ra phương hướng nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) trong đó nêu rõ: “…tăng cường thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã mua bán, cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa cho nhân dân”.Công việc đầu tiên của ngành thương nghiệp quan tâm trong thời kỳ này là việc hoàn thiện về mặt tổ chức bộ máy gắn với chuyển hướng phục vụ theo thời chiến. Ngoài 7 công ty chuyên doanh và Hợp tác xã mua bán tỉnh vừa làm chức năng quản lý Nhà nước vừa tổ chức lực lượng hàng hóa phục vụ sản xuất, đời sống, 10 Hợp tác xã mua bán huyện và 200 Hợp tác xã mua bán xã, với trên 6.000 cán bộ nhân viên toàn ngành. Nhiệm vụ của Thương nghiệp là người nội trợ cho toàn xã hội, là mối liên kết giữa sản xuất với tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Những năm 1966 - 1975, Thương nghiệp quốc doanh mở rộng mạng lưới chia tổ, bám trụ phục vụ sản xuất và chiến đấu, tiếp nhận hàng hóa kho Trung ương, đưa hàng hóa, cung ứng vật tư thiết bị cho sản xuất công nghiệp, bán lẻ hàng tiêu dùng cho nhân dân, ở đâu có trận địa của lực lượng vũ trang, có tiếng máy nổ, có dân sơ tán… thì ở đó có hàng hóa và mậu dịch viên phục vụ. Ngoài việc tổ chức tốt lực lượng, bám sát địa bàn nông thôn, động viên nông dân mỗi năm bán cho nhà nước từ 5.000 - 6.000 tấn thịt lợn, 1.500 tấn thịt trâu bò, 800 tấn gia cầm, hàng triệu quả trứng, hàng vạn tấn rau quả, hàng triệu tàu lá cọ, cây tre, bương… Ngành còn tổ chức sản xuất 200 - 300 tấn bánh kẹo, 150 - 200 tấn đậu phụ cung ứng cho lực lượng vũ trang và cán bộ, công nhân viên Nhà nước.
2. Thời kỳ sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước (Từ năm 1975-1985):
* Cùng với cả nước thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, công nghiệp đã được sắp xếp lại phù hợp với tình hình mới. Đây là thời kỳ công nghiệp Phú Thọ được củng cố phát triển. Một số doanh nghiệp đã mở rộng hình thức khoán sản phẩm, gắn lợi ích người lao động với kết quả sản xuất kinh doanh. Một số xí nghiệp thực hiện thí điểm việc bù giá vào lương xóa bỏ dần dần bao cấp của Nhà nước, tập trung vào 1 số ngành, như: Dệt may, da giày, giấy, phân bón, hóa chất... Giá trị sản xuất công nghiệp thời kỳ này tăng bình quân 11,5%.
* Ngành Thương nghiệp đã nỗ lực phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân và vận động thu mua nắm nguồn hàng, giữ ổn định giá cả thị trường và có những mặt hàng Nhà nước hạ giá bán như hàng may mặc, thuốc chữa bệnh, mì chính, hàng phục vụ văn hóa giáo dục. Đã tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nhiều trường hợp buôn bán trái phép các mặt hàng Nhà nước thống nhất quản lý. Năm 1985, tổng giá trị thu mua của Thương nghiệp quốc doanh tỉnh bằng 2,8 lần so với năm 1980, đưa sản lượng hàng bán ra năm 1985 vượt kế hoạch 44%. Năm 1985 tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng gấp đôi so với năm 1980.
3. Thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa (Từ năm 1986 – 1996):
* Nhà nước triển khai cơ chế quản lý mới, xóa bỏ bao cấp, các đơn vị hoạt động theo cơ chế thị trường. Thời kỳ đầu của giai đoạn này, sản xuất công nghiệp Phú Thọ gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp mất phương hướng sản xuất, sản xuất cầm chừng, đời sống và thu nhập của người lao động gặp nhiều khó khăn. Tốc độ phát triển bình quân thời kỳ 1986-1990 đạt 1,4%/năm. Bước sang thập kỷ 90 (1991-1995), sau một giai đoạn chao đảo, sản xuất công nghiệp đã dần làm quen với cơ chế thị trường. Sở Công nghiệp tiếp nhận thêm chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, vật liệu nổ công nghiệp và điện năng.
* Bước vào giai đoạn mới, ngành Thương nghiệp đã vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về mô hình tổ chức thương nghiệp. Ngoài thương nghiệp quốc doanh còn có sự tham gia của nhiều thành phần tham gia vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ làm cho thị trường hàng hóa, dịch vụ đa dạng, phong phú, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nhân dân. Đến năm 1996, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng hơn 9 lần so với năm 1990.
4. Từ năm 1997 đến năm 2000:
* Ngay sau khi tái lập tỉnh, Sở Công nghiệp Phú Thọ đã tham mưu với Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 10/NQ-TU ngày 20/9/1997 về phát triển công nghiệp-công nghệ. Đến năm 2000, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 3.232 tỷ, tăng 73,5% so với năm 1996. Tốc độ tăng bình quân từ năm 1997-2000 là 14,8%/năm. Tỷ trọng GDP công nghiệp tăng từ 31,5% năm 1996 lên 36,6% năm 2000. Tổng vốn đầu tư phát triển công nghiệp chiếm 47,3% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh đã có sự phát triển khá cả về số lượng sản phẩm, trình độ công nghệ và tốc độ tăng trưởng, nhiều cơ sở công nghiệp được đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất.
* Ngày 16/4/1998, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Nghị quyết 04/NQ-BTV về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động thương nghiệp, phát triển thị trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ theo Nghị quyết 12-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VII), ngành đã nỗ lực phấn đấu từng bước khắc phục những tồn tại của thời kỳ bao cấp. Ngành đã tổ chức sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp quốc doanh trên địa bàn khắc phục tình trạng kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún; Đồng thời làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu. Ngành đã xây dựng các đề án phát triển mang tính chiến lược, như: Quy hoạch mạng lưới Thương mại - Dịch vụ giai đoạn 1998-2010; Quy hoạch mạng lưới bán lẻ xăng dầu; Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ…
5. Từ năm 2001 đến năm 2010:
* Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp bình quân đạt 14,6%/năm. Công nghiệp - xây dựng giữ vai trò quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đạt trên 38%. Các sản phẩm công nghiệp được sắp xếp lại theo yêu cầu của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, giai đoạn này tỉnh cũng chú trọng quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp như KCN Thụy Vân, KCN Trung Hà, CCN Bạch Hạc, CCN Đồng Lạng…đem lại cho công nghiệp Phú Thọ một diện mạo mới, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cũng trong giai đoạn này, với quan điểm phát triển nghề và làng nghề là tiêu điểm trong chiến lược công nghiệp hóa nông thôn, nhiều nghề truyền thống được khôi phục, công tác truyền cấy nghề được chú trọng đầu tư, giải quyết cho hàng vạn lao động vùng nông thôn có thu nhập ổn định.
* Thực hiện Nghị quyết 14/NQ-TU ngày 10/9/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động thương nghiệp, phát triển thị trường giai đoạn 2002-2005 và định hướng 2010, lãnh đạo ngành Thương mại - Du lịch Phú Thọ đã bám sát chức năng nhiệm vụ được giao, là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện các chức năng quản lý Nhà nước về các hoạt động Thương mại, Du lịch, Xuất nhập khẩu. Công tác tổ chức hội chợ đã bắt đầu được quan tâm, năm 2000 bước đầu đã tổ chức thành công Hội chợ Hùng Vương 2000, và đã trở thành hội chợ thường niên gắn với quảng bá theo chương trình hành động quốc gia về Du lịch trong dịp giỗ tổ Hùng Vương.
Thực hiện chủ trương đổi mới quản lý nhà nước, Tỉnh đã sáp nhập Sở Công nghiệp và Sở Thương mại thành Sở Công thương, đã tạo động lực cho sản xuất công nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Những năm 2005-2010, Giá trị sản xuất tăng bình quân 12,5%/năm và tăng 1,8 lần so với năm 2005. Năng lực sản xuất các ngành có lợi thế tăng nhanh, như: Xi măng tăng 7,9 lần, phân bón tăng 1,2 lần, giấy tăng 1,2 lần, chè tăng 1,5 lần, quần áo may sẵn tăng 9,7%... Trong giai đoạn, đã hoàn thành mở rộng và đưa vào hoạt động một số dự án có giá trị sản xuất lớn (nâng công suất các nhà máy gạch ốp lát; dự án nhà máy bia; nhà máy cơ khí…). Hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp từng bước được đầu tư, phục vụ tốt hơn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thu hút thêm dự án mới; đã hoàn thành đưa vào hoạt động một số dự án có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào thu ngân sách nhà nước. Vị trí và vai trò của công nghiệp tỉnh Phú Thọ trong Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ tiếp tục giữ vững và được đánh giá cao.
Những năm 2005-2010, ngành dịch vụ phát triển khá toàn diện cả về quy mô, ngành nghề và thị trường với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, từng bước khai thác được lợi thế, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Trong giai đoạn này dịch vụ và du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tập trung phát triển một số ngành dịch vụ chất lượng cao như: Tài chính, Ngân hàng, Viễn thông, Công nghệ thông tin, thị trường bất động sản...
6. Từ năm 2011 đến 2020:
* Về sản xuất công nghiệp: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII và XIX với mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng tỷ trọng công nghiệp trong tổng sản phẩm địa phương; tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế;phấn đấu xây dựng Phú Thọ trở thành tỉnh công nghiệp và là một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực do nhiều chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ sản xuất và phát triển thị trường đã phát huy tác dụng. Sở Công thương đã triển khai nhiều nội dung hoạt động khuyến công nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ giá trị tăng thêm bình quân ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,67%/năm; cơ cấu các nhóm ngành công nghiệp được chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ. Trên địa bàn tỉnh được Chính phủ phê duyệt quy hoạch 7 khu công nghiệp tập trung. Đến nay, tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư kết cấu hạ tầng KCN, CCN là 1.197.422 triệu đồng (trong đó vốn ngân sách 631.626 triệu đồng; vốn của doanh nghiệp: 565.796 triệu đồng). Tỉnh đã tích cực thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư, các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường. Trong 5 năm 2016 - 2020, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ lực, có thế mạnh tăng nhanh so với tổng sản lượng giai đoạn 2011 - 2015 như: Sản phẩm điện tử tăng hơn 215%, giầy thể thao tăng hơn 114%, gạch ceramic tăng 108%. Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh đầu tư vào những lĩnh vực ngành nghề có lợi thế của tỉnh là chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, phân bón; hàng may mặc xuất khẩu... Nhờ vậy, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân cao hơn mức bình quân của cả nước, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh, đồng thời còn tạo ra được sự đột phá trong phát triển cả về số doanh nghiệp, vốn, lao động, doanh thu và nộp ngân sách.
Năm 2017, Sở Công thương Phú Thọ đã phối hợp với Cục Công thương địa phương - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị ngành Công Thương và Hội nghị công tác khuyến công 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IV thành công tốt đẹp. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng của ngành Công thương nhằm đánh giá kết quả hoạt động định hướng công tác của toàn ngành đồng thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực Công Thương.
- Về phát triển cụm công nghiệp: Công tác phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đã đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư từ chỗ chờ nhà đầu tư đến, nay tích cực chủ động xúc tiến, mời gọi đầu tư; vận động thu hút đầu tư bằng chính uy tín, trách nhiệm, tinh thần phục vụ, hỗ trợ đối với nhà đầu tư hiện có và các nhà đầu tư mới; chủ động, linh hoạt và tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất cho nhà đầu tư; tăng cường công tác quảng bá lợi thế các CCN, phổ biến các quy định, chính sách pháp luật. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 28 CCN được quy hoạch với tổng diện tích theo quy hoạch được phê duyệt là 1.100 ha. Trong đó, có 18 CCN đang triển khai xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động với diện tích 643,76ha. Tổng số dự án đăng ký đầu tư sản xuất kinh doanh vào các CCN là 126 dự án, số vốn đăng ký đạt trên 4.000 tỷ đồng, diện tích đăng ký là 354,3 ha. Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp tương đối ổn định. Đã có 106 dự án đã đi vào sản xuất, giải quyết việc làm cho trên 18.000 lao động.
- Về hạ tầng điện: Xác định mục tiêu phát triển hạ tầng điện là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy KT-XH đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2025 có xét đến 2035 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Tổng nguôn vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 là trên 4.000 tỷ đồng, qua đó đã góp phần tạo lập hệ thống lưới điện đồng bộ tương đối hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và tiêu dùng của nhân dân.
* Về lĩnh vực thương mại - dịch vụ: Hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động, cùng với sự phát triển của ngành thương mại cả nước, đã có những đóng góp nhất định vào tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng thương mại phong phú, đa dạng kết hợp hài hòa giữa hạ tầng thương mại truyền thống với hạ tầng thương mại hiện đại và đang từng bước phát triển theo hướng tăng dần hạ tầng thương mại hiện đại với sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của kinh tế tư nhân đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Hoạt động lưu chuyển hàng hoá và bán lẻ ngày càng đa dạng với sự phát triển hạ tầng thương mại, các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Đến nay toàn tỉnh có 04 Trung tâm thương mại, 17 siêu thị và nhiều cửa hàng tiện ích; toàn tỉnh hiện có 197 chợ (trong đó: Chợ hạng I là 3; chợ hạng II là 13 và chợ hạng III là 181 chợ);các siêu thị, hệ thống chơ được đầu tư mới chủ yếu nằm trên địa bàn các huyện, thị xã; đã có nhiều cửa hàng tiện ích được đầu tư tại trung tâm các cụm xã, trong tỉnh; đặc biệt năm 2018-2019 chuỗi cửa hàng Vinmart+ đã phát triển mạnh với trên 100 cửa hàng tiện ích quy mô 100-500m2. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh hiện nay có hệ thống bán lẻ với trên 20.000 cửa hàng nằm trong các khu dân cư, các cửa hàng này được đầu tư chủ yếu bằng nguồn vốn của tư nhân và được đầu tư theo hướng càng ngày càng hiện đại và đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm với hàng hóa đa dạng, phong phú; hệ thống mạng lưới cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh là 242 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 04 kho đầu mối xăng dầu, với tổng sức chứa 33 ngàn m3.
Trong giai đoạn 2016-2020, Thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã và đang từng bước đi vào cuộc sống góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin phục vụ phát triển thương mại điện tử đã có những chuyển biến đáng kể, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, các doanh nghiệp đã chủ động đổi mới trong việc tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng thương mại điện tử, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giảm chi phí tiếp thị và giao dịch, củng cố quan hệ với bạn hàng, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.
Công tác xúc tiến thương mại đã được quan tâm, thị trường xuất khẩu được mở rộng. Hình thức xúc tiến thương mại được thực hiện khá phong phú và đa dạng. Hội chợ Hùng Vương được tổ chức hàng năm, cùng với các hoạt động kết nối giao thương, kết nối cung cầu, các Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi và khu công nhân; Tổ chức xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam; Kết nối cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh đưa vào sản phẩm vào các hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh (Siêu thị BigC, Co.opmart, Vinmart, Aloha, Phú Cường…) và các chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trong cả nước…
* Hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh giai đoạn 2010-2020 với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 22%. Mặc dù thời gian qua, tình hình thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, song hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn đạt được những kết quả khá ấn tượng, tăng trưởng cả về quy mô xuất khẩu và tốc độ hàng năm theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Xuất, nhập khẩu tiếp tục có xuất siêu, trong đó mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng khá. Sản phẩm chủ yếu gồm: Hàng dệt, may mặc, giày, dép, điện thoại và linh kiện điện thoại, hàng điện tử, sản phẩm Plastics các loại, chè các loại, gỗ…; Thị trường chủ yếu là: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật… Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, số doanh nghiệp FDI tăng nhanh, từ 75 doanh nghiệp (năm 2015) lên 181 doanh nghiệp (đến năm 2020) tăng 141,3%.
* Công tác Hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2016-2020: Được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là động lực để tiến hành công tác hội nhập trên các lĩnh vực khácnhất là sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và khi 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết đi vào hoạt động. Công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế; triển khai hiệu quả thỏa thuận kinh tế thương mại giữa tỉnh với địa phươngcác nước đối tác FTA; tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh đổi mới công nghệ; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu… đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ nói riêng kết nối, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
* Các công tác khác thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành, như: Thanh tra; Kỹ thuật, an toàn, môi trường; Cải cách hành chính; Quản trị văn phòng... qua các thời kỳ đã đượcngành tập trung chỉ đạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành. Tổ chức bộ máy sở Công thương ngày càng hoàn thiện, trình độ cán bộ công chức, viên chức ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
7. Kết quả các phong trào thi đua:
Ghi nhận những thành tích đóng góp vào phát triển công nghiệp - thương mại trong những năm qua trong công cuộc xây dựng và đổi mới của tỉnh, của đất nước, ngành Công Thương Phú Thọ đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý, như: UBND tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen vào các năm: 1998, 1999, 2000, 2012, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018; Bộ Công Thương tặng Bằng khen và tặng cờ Thi đua các năm2011, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019, 2020;Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại tặng cờ Thi đua các năm 1997, 1998, 1999, 2000, 2004;Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và cờ thi đua xuất sắc các năm 1998, 1999, 2000, 2001, 2003 và 2020; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1998), Huân chương Lao động hạng Nhì (các năm 2001, 2004), Huân chương lao động hạng Nhất (năm 2010).
II. MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG THƯƠNG THỜI GIAN TỚI
Giai đoạn 2021-2025, tình hình kinh tế thế giới, khu vực dự báo duy trì đà tăng trưởng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là xu thế phát triển chủ đạo. Cách mạng công nghệ 4.0 và việc triển khai các hiệp định thương mại mới vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Dự báo, thời gian tới tình hình KT-XH của tỉnh có những thuận lợi nhất định, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, các lĩnh vực xã hội được quan tâm; quốc phòng, an ninh được đảm bảo; kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày càng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh trong thu hút đầu tư, cho doanh nghiệp tiết giảm chi phí, mở rộng sản xuất kinh doanh. Phương pháp xúc tiến trực tiếp với các nhà đầu tư có trình độ quản lý, có tiềm lực tài chính đang là hướng đi đúng và phát huy hiệu quả tốt. Một số nhà đầu tư có tiềm lực đang nghiên cứu, khảo sát triển khai dự án quy mô lớn, khi các dự án đi vào hoạt động sẽ tạo tính lan tỏa, tăng tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư trên địa bàn. Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Sở Công thương tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh xây dựng các quy hoạch và đề xuất cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển Công nghiệp - Thương mại trên địa bàn tỉnh.
Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vai trò động lực trong phát triển kinh tế và thực hiện các mục tiêu về công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Phấn đấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp-xây dựng tăng bình quân 9,5%; đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp- xây dựng đạt 40-41%, tỷ lệ lấp đầy bình quân các khu công nghiệp đạt 75-80%; các Cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đạt 60-70%. Tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo, chế biến, bảo quản thực phẩm, chế biến gỗ, chè chất lượng cao.
Phát triển các loại hình thương mại, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao để trở thành ngành kinh tế quan trọng đóng góp lớn vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng ngành dịch vụ là 41-42%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân hàng năm 10-12%; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 15%/năm.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành Công Thương Phú Thọ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, Tập trung triển khai thực hiện tốt công tác lập quy hoạch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát, dự báo và đề ra phương án cho phát triển Công nghiệp - Thương mại; Phương án phát triển điện lực; Phương án phát triển các Khu-CCN và các định hướng phát triển của ngành. Chú trọng phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp. Tập trung nguồn lực đầu tư, tranh thủ tối đa nguồn lực của các Bộ ngành Trung ương, các Tập đoàn, Tổng công ty để đầu tư kết cấu hạ tầng các Khu-CCN, hạ tầng điện đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Tiếp tục thu hút đầu tư, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; thân thiện với môi trường. Thực hiện phân bố không gian công nghiệp phù hợp nhằm phát huy lợi thế so sánh của tỉnh và tạo điều kiện liên kết có hiệu quả. Phát triển công nghiệp gắn với phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp phát huy lợi thế về hạ tầng giao thông, điện năng, nguồn nguyên liệu và nhân lực…
Hai là, Tạo lập chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên. Khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, cùng với ưu đãi phát triển các ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, sản xuất động cơ, các loại công cụ, dụng cụ, phụ tùng máy. Đặc biệt cần khuyến khích đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao cung cấp cho các cơ sở lắp ráp máy móc thiết bị hiện có, góp phần nâng cao tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp trên địa bàn; tiếp tục tạo điều kiện để phát triển nhóm ngành công nghiệp công nghệ thông tin; sản xuất linh kiện thiết bị điện, điện tử... để duy trì tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp cao, chuyển dịch nhanh cơ cấu nội bộ ngành.Nhóm ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm gắn với vùng nguyên liệu tập trung và gắn với xây dựng nông thôn mới cần được đặc biệt ưu tiên phát triển làm cơ sở vững chắc để thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu nhập, dần xóa bỏ khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Ba là, Xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi, thông thoáng gắn với công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào phát triển Công nghiệp - Thương mại phù hợp các cơ chế chính sách của Trung ương ban hành, kết hợp với cơ chế, chính sách của tỉnh để tạo ra các cơ chế, chính sách riêng có sức hấp dẫn các nhà đầu tư đến với tỉnh. Tập trung giải quyết các vướng mắc về giao đất, cho thuê đất; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đặc biệt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng điện; Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu; Xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm; Đào tạo lao động... Tiếp tục triển khai các chương trình, đề án khuyến công có hiệu quả, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tập trung xúc tiến trực tiếp các tập đoàn lớn, đa quốc gia đầu tư các dự án. Đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại để góp phần thúc đẩy sức tiêu thụ và sức mua trên thị trường. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin và cách phòng tránh, xử lý các tranh chấp thương mại, nhằm thúc đẩy xuất, nhập khẩu hướng tới các thị trường truyền thống và mở rộng sang các thị trường mới, tiềm năng. Nâng cao công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghiệp, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh.
Bốn là, Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho các ngành ưu tiên phát triển của tỉnh. Xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm bổ sung kiến thức cho đội ngũ quản lý, nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động (trong đó ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp tự đào tạo lao động). Có cơ chế khuyến khích thu hút lực lượng lao động có chất lượng, trình độ, các đối tượng hợp tác lao động ở nước ngoài khi trở về nước tiếp tục làm việc tại địa phương. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng quản lý, quản trị hiện đại, có đạo đức kinh doanh và tinh thần trách nhiệm đối với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Năm là, Chú trọng đổi mới công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp và TTCN. Xây dựng và chủ động tiếp cận tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tăng cường hỗ trợ, khuyến khích việc chuyển giao tiếp nhận thiết bị và công nghệ hiện đại; kiên quyết ngăn chặn việc nhập công nghệ lạc hậu, hao phí nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường. Quan tâm kiện toàn công tác quản lý nhà nước về công nghiệp- thương mại; tăng cường sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả giữa các ngành, các cấp. Hình thành một đầu mối để tập trung, chỉ đạo, xuyên suốt đồng thời tiếp nhận, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệpvề thủ tục, đất đai, đầu tư, hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tập trung rà soát, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Sáu là, Tiếp tục đẩy mạnh công tác Hội nhập kinh tế quốc tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phương án cam kết cắt giảm/xóa bỏ thuế nhập khẩu hàng hóa và các cam kết về tiếp cận thị trường của Hiệp định EVFTA để nâng cao sự hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định. Xây dựng và triển khai Kế hoạch hoạt động Xúc tiến thương mại giai đoạn 2020 - 2025; Triển khai công tác quy hoạch đầu tư phát triển Logistics phù hợp với nhu cầu của thị trường. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu ngành công thương, cung cấp thông tin thị trường chuyên sâu cho các ngành hàng chủ lực; Tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường. Chú trọng công tác quảng bá sản phẩm qua nền tảng số, phương tiện điện tử. Khuyến khích, hỗ trợ, tôn vinh doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu. Triển khai các chương trình hợp tác, liên doanh liên kết của tỉnh với các địa phương khác trong cả nước để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, các ngành phụ trợ, liên kết sản xuất - chế biến tại chỗ phục vụ xuất khẩu. Tập trung phát triển thương mại nội địa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong quá trình hình thành và phát triển của Ngành Công Thương, dù có nhiều thay đổi về mô hình tổ chức theo thời gian lịch sử như chia tách, sáp nhập, hợp nhất... nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các ngành, các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động, ngành Công Thương Phú Thọ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao góp phần đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngành Công Thương tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu của Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIX đã đề ra xứng đáng với kỳ vọng, niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ./.
Nguyễn Mạnh Hùng
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Công Thương