“Năm 2021, các ngành nói chung và ngành công nghiệp nói riêng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất giảm sút do thiếu đơn hàng, lượng hàng tồn kho lớn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp được chú trọng, các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng 9,28% so với cùng kỳ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh” - Ông Nguyễn Ngọc Anh - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết.

Công ty TNHH Hwa Sung Vina chủ động thực hiện các phương án để duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; ra mắt kênh trao đổi thông tin “Phú Thọ với Doanh nghiệp” trên ứng dụng Zalo. Đặc biệt, các thủ tục thông quan, gia hạn nợ, miễn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… được chú trọng thực hiện đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong năm 2021, tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 76 doanh nghiệp với số tiền là 1.433 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã chủ động thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch, vừa chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất. Nhờ đó, hoạt động sản xuất được duy trì, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, trong đó nhiều ngành trọng điểm tăng trưởng cao như: Khai khoáng tăng 8,58%; chế biến, chế tạo tăng 9,32%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,37%...
Là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc chuyên sản xuất linh kiện điện tử, Công ty TNHH Hwa Sung Vina (Khu Công nghiệp Cẩm Khê) đã chủ động các phương án phòng dịch, duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động. Ông Oh Chul Kue - Giám đốc Công ty cho biết: Trong điều kiện dịch bệnh khó khăn, chúng tôi đã được các cấp, các ngành chức năng quan tâm, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 hiệu quả; rà soát, tiêm vắc xin cho 100% cán bộ, công nhân… Đặc biệt, các thủ tục hải quan xuất nhập khẩu được hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất; tạo việc làm thường xuyên cho 300 lao động địa phương với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.

Các doanh nghiệp chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch để đảm bảo hoạt động sản xuất (Ảnh chụp tại Công ty TNHH Dệt may Thygesen Việt Nam, huyện Yên Lập)
Vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, trong năm 2021, hoạt động sản xuất của Công ty Kapstex Vina (Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì) được duy trì và có bước khởi sắc. Nắm rõ việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh là điều kiện tiên quyết, mang tính cốt lõi để đảm bảo sản xuất, Công ty đã yêu cầu cán bộ, công nhân thực hiện tốt “5K”; điều động bố trí lao động, thiết bị máy móc phù hợp theo từng giai đoạn, bảo đảm giãn cách để phòng dịch. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, linh hoạt, chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào… Nhờ đó, sản lượng sản xuất năm 2021 của Công ty đạt 16.000 tấn, vượt kế hoạch đề ra; doanh thu đạt 866 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 6,9 tỷ đồng; tạo việc làm cho 440 lao động.
Sản xuất công nghiệp phát triển đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cơ cấu kinh tế (cơ cấu giá trị tăng thêm) năm 2021 khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 39%, tăng 36,5% so với cùng kỳ.
Để thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển, trong năm 2022, tỉnh Phú Thọ tập trung chỉ đạo, nắm bắt hoạt động của doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp về mặt bằng, thủ tục đầu tư tại các khu công nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; thu hút các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động ở khu vực nông thôn, miền núi.

Công ty TNHH Almus Vina (Khu Công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ) duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo việc làm thường xuyên cho hơn 2.000 lao động với mức thu nhập hơn 5,5 triệu đồng/người/tháng
“Ngành Công Thương sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan nhằm theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; nghiên cứu đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ kịp thời trong công tác chuẩn bị đầu tư để các dự án sớm đi vào hoạt động” - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Ngọc Anh cho biết.
Đồng thời, trong thời gian tới, Phú Thọ tiếp tục tăng cường hợp tác, mở rộng liên kết với các địa phương trong nước nhằm trao đổi thông tin, phối hợp trong công tác quản lý cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối và tiêu thụ sản phẩm, kết nối cung cầu. Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư và phát triển sản xuất, đặc biệt là các ngành nghề mới, các sản phẩm thế mạnh của tỉnh.
Theo Phutho.gov.vn