Trong bối cảnh nước ta tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng vào sân chơi toàn cầu. Bên cạnh những ưu đãi về giảm thuế, các đối tác trong các Hiệp định FTA của Việt Nam đều thuộc nhóm những nước sử dụng công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) trên thế giới, do đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ bị các nước đối tác trong Hiệp định FTA điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM nhiều hơn.
Nhằm hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp nắm bắt và chủ động trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng, cách thức sử dụng các công cụ PVTM được pháp luật cho phép để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, ngày 04/10/2022 Ban Hội nhập KTQT tỉnh Phú Thọ phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tập huấn về “Nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do”.
Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh; đồng chí Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó trưởng Ban thường trực Ban HNKTQT tỉnh Giám đốc Sở Công Thương, đồng chí Nguyễn Thị Thủy - Bí Thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh; các thành viên Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh; lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Hùng Vương, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Hội Doanh nhân trẻ, doanh nghiệp thuộc ngành hàng gốm sứ, gạch men, gỗ, chè, các hợp tác xã có sản phẩm OCOP… trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Sở Công Thương, Phó trưởng Ban thường trực Ban HNKTQT tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó trưởng Ban thường trực Ban HNKTQT tỉnh - Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh: Chủ động ứng phó và vận dụng hiệu quả các biện pháp PVTM là giải pháp giúp doanh nghiệp thoát khỏi các vụ kiện và đảm bảo giữ vững thị phần, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, hàng năm sở Công Thương - Cơ quan thường trực Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện triển khai công tác phổ biến, tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do và các văn bản hướng dẫn, thực thi về các biện pháp phòng vệ thương mại bảo đảm đầy đủ, chính xác và kịp thời tới các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh đề nghị Sở Công Thương phát huy vai trò Cơ quan thường trực Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc phổ biến, cung cấp những thông tin cơ bản về phòng vệ thương mại để doanh nghiệp có thể chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài. Triển khai kịp thời thông tin danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh hoặc biện pháp phòng vệ thương mại đến các doanh nghiệp; phối hợp cung cấp thông tin và hướng dẫn các hiệp hội, các doanh nghiệp phương hướng xử lý các vụ, việc phòng vệ thương mại, điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp của các nước đối với sản phẩm, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu, tránh tình trạng bị động.
Về phía các doanh nghiệp, cần tích cực tìm hiểu để nâng cao năng lực phòng vệ thương mại và sử dụng các công cụ về phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Xây dựng phương án dự phòng trong chiến lược phát triển sản xuất, xuất khẩu, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước để giảm thiểu các tác động tiêu cực, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để ứng phó với phòng vệ thương mại từ các nước, bảo đảm sự phát triển ổn định của các doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương bền vững.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được các báo cáo viên đến từ Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương truyền đạt các nội dung về Điều tra phòng vệ thương mại và Ứng phó với các vụ, việc điều tra phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, giải đáp các vấn đề quan tâm của cơ quan, doanh nghiệp trong nắm bắt, triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do và các vấn đề liên quan đến PVTM.
Thông qua hội nghị, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tổ chức liên quan và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những hiểu biết sâu sắc hơn về các biện pháp phòng vệ thương mại và cách áp dụng triển khai có hiệu quả, phù hợp với cam kết quốc tế; đồng thời tận dụng được ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, từ đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định và tiếp tục tăng trưởng đạt mục tiêu đã đề ra./.
BBT