Năm 2022, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình hình quốc tế có nhiều biến động. Song được sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Công Thương, Sở Công Thương Phú Thọ đã cụ thể hóa các chương trình kế hoạch, cùng với sự phối kết hợp của các sở, ngành, các địa phương, sự tích cực năng động của các doanh nghiệp trong việc tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, ngành Công Thương đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá các chỉ tiêu góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Thực hiện nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2022 có nhiều thuận lợi, thời cơ, nhưng cũng còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; biến thể Omicron lây lan nhanh, giá năng lượng tăng và đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến lạm phát cao hơn và ở diện rộng hơn so với dự báo dẫn đến giá hàng hóa, giá vật tư, sắt thép có thời điểm tăng cao; cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát khiến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn. Trên địa bàn tỉnh có những vướng mắc về quy hoạch, xây dựng, đầu tư công, thu hút đầu tư; đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm được tháo gỡ đã tác động không nhỏ đến phát triển của công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện các dự án tại Cụm Công nghiệp thị trấn Sông Thao – huyện Cẩm Khê (Ảnh Ngọc Tuấn - BPT)
Trước tình hình đó, ngành Công Thương đã chủ động, tích cực trong việc triển khai thực hiện các định hướng chỉ đạo và giải pháp điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sáng tạo, hiệu quả trong công tác tham mưu thực hiện chức năng quản lý nhà nước của đơn vị. Các chỉ tiêu chủ yếu của ngành trong năm duy trì tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động công nghiệp, thương mại phát triển, thị trường cơ bản giữ được bình ổn, đảm bảo cung cầu các hàng hóa thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Công tác Quy hoạch - Kế hoạch, xây dựng và triển khai các chương trình công tác trọng tâm của ngành Công Thương được thực hiện tích cực và đồng bộ, Sở đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành các đơn vị liên quan triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch thuộc lĩnh vực ngành Công Thương, phục vụ tích hợp Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Xây dựng và triển khai các kế hoạch như Chương trình công tác trọng tâm; Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 02-CTr/TU ngày 21/01/2021 của Tỉnh ủy Phú Thọ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Sở Công Thương… Bên cạnh đó chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị, các đơn vị liên quan xây dựng các kế hoạch lĩnh vực Công Thương, như: Kế hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch phát triển điện lực tỉnh Phú Thọ giao đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển ngành Công nghiệp hóa chất tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2040; Kế hoạch phát triển ngành dịch vụ tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 – 2025;…

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải – UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ, tháo gỡ vướng mắc dự án điện trên địa bàn huyện Thanh Sơn (Ảnh Đinh Vũ - BPT )
Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ban, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội doanh nhân trẻ, Hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài của tỉnh theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; nghiên cứu đề xuất các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn. Với sự vào cuộc của các cấp các ngành, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 12,4% so với năm 2021, là động lực tăng trưởng quan trọng cho kinh tế của tỉnh. Cơ cấu các nhóm ngành công nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ.
Đặc biệt trong năm 2022, mặc dù khó khăn nhưng hoạt động thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp vẫn có những tín hiệu khả quan và là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được Chính Phủ phê duyệt 07 KCN (đã có 04 KCN đi vào hoạt động, 03 KCN đang thu hút nhà đầu tư hạ tầng); Đến nay, các KCN đã thu hút được 166 dự án vào đầu tư, trong đó có 89 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 18.471 tỷ đồng, 77 dự án FDI có tổng vốn đăng ký đầu tư 1.638 triệu USD và 02 dự án đầu tư hạ tầng KCN với vốn đăng ký là 4.207 tỷ đồng; Tỷ lệ lấp đầy trên 58% diện tích đất công nghiệp. Tạo việc làm cho trên 49.500 nghìn lao động, với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
Trên địa bàn tỉnh có 21/28 Cụm công nghiệp được thành lập, mở rộng và triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút các dự án sản xuất kinh doanh vào các CCN. Tổng vốn đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các CCN là 4.574 tỷ đồng. Ngoài ra, tháng 12/2022 Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật tỉnh Phú Thọ đang trình UBND tỉnh thành lập 04 CCN, với tổng vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật trên 2.000 tỷ đồng. Các CCN đang hoạt động thu hút được 157 dự án đầu tư vào trong các CCN (91 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký trên 10.000 tỷ đồng; 66 dự án có vốn FDI, vốn đăng ký trên 900 triệu USD). Đến nay đã có 111 dự án đi vào hoạt động; CCN đã thu hút và lấp đầy trên 56% diện tích đất công nghiệp; giải quyết việc làm cho trên 14 nghìn lao động; thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.
Cũng trong năm 2022, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh tăng cao, thị trường cơ bản giữ được bình ổn, cung cầu hàng hóa được đảm bảo. Sở đã triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 4787/KH-UBND ngày 18/10/2021 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc ban hành Kế hoạch “Đảm bảo sản xuất, lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”, linh hoạt trong công tác chỉ đạo điều hành các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có phương án đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đảm bảo vừa sản xuất, vừa chống dịch, đồng thời đảm bảo cân đối cung cầu mặt hàng thiết yếu và mặt hàng vật tư y tế phòng dịch trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND tỉnh.

Đồng chí Hà Lan Anh – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cùng các đại biểu thăm quan Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của tỉnh Phú Thọ tại Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc – Nam Định năm 2022
Trên địa bàn tỉnh hiện có 04 Trung tâm thương mại và 16 siêu thị; 197 chợ (trong đó có 03 chợ hạng I ,13 chợ hạng II và 181 chợ hàng III); có 04 kho xăng dầu có sức chứa 31.500 m3 và 270 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động đảm bảo phục vụ nhân dân địa phương và các vùng lân cận. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 ước đạt 44.038 tỷ đồng, tăng 18,91% so với cùng kỳ năm trước và đạt 110,09% so với kế hoạch năm 2022 (KH 2022: 40.000 tỷ đồng).
Hoạt động xuất nhập khẩu tỉnh Phú Thọ năm 2022 đã hoàn hành xuất sắc mục tiêu đề ra và trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022, ước đạt 12.500 triệu USD (tăng 48% so với cùng kỳ); đạt 156,3% kế hoạch năm (Kế hoạch năm 8.000 triệu USD). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Thiết bị linh kiện điện tử, hàng may mặc, vải bạt, bao bì PP, PE, chè,…; Thị trường chủ yếu: Hàn Quốc, Mỹ, Hong Kong, Nhật Bản, Trung Quốc.;Thị trường các nước EU chủ yếu là thị trường Đức, Canada, Italia và thị trường Anh.
Nhập khẩu ước đạt 11.300 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ. Đạt 143% kế hoạch năm (Kế hoạch năm 7.900 triệu USD). Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là phụ kiện, linh kiện điện tử; Nguyên phụ liệu ngành may, da giày, nhựa PP, PE… cho thấy tính tự chủ trong sản xuất, thích ứng, nắm bắt thị trường của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong tỉnh đã nỗ lực khai thác, tận dụng lợi thế sản xuất các mặt hàng truyền thống, mở rộng thêm một số bạn hàng mới.
Năm 2022, tình hình cung ứng điện của tỉnh Phú Thọ về cơ bản ổn định an toàn, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và tiêu dùng nhân dân, góp phần vào tăng trưởng các ngành công nghiệp, nông nghiệp, giữ vững an ninh, quốc phòng, phục vụ tốt các sự kiện văn hoá chính trị, các ngày tết, ngày lễ lớn. Sở Công Thương đã chỉ đạo ngành điện chuẩn bị nhân lực, vật tư để giải quyết các sự cố về điện, phương án dự phòng cấp điện; chú trọng công tác phòng chống cháy nổ. Công ty điện lực Phú Thọ, Truyền tải điện Tây Bắc đã lập kế hoạch, phương án cấp điện, chuẩn bị nguồn điện dự phòng, vật tư thiết bị, chuẩn bị lực lượng và phương tiện đảm bảo đúng kế hoạch. Lưới điện quốc gia đã được cấp đến 100% số xã trên địa bàn tỉnh với hơn 99,7% dân số trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia.
Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 70 doanh nghiệp liên quan đến hoạt động hóa chất, trong đó có 04 doanh nghiệp sản xuất hóa chất. Sở Công Thương đã tiếp tục triển khai tốt Quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước về hoạt động hoá chất trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh Phú Thọ ban hành tại Quyết định số 3610/QĐ-UBND ngày 24/12/2018, các doanh nghiệp cơ bản ổn định sản xuất theo kế hoạch, đồng thời thực hiện nghiêm các quy định trong quản lý an toàn hóa chất; Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành ban hành Kế hoạch số 4602/KH-UBND về phát triển ngành Công nghiệp hóa chất tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2040. Tiếp tục triển khai Quy chế quản lý VLNCN, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất VLNCN trên địa bàn tỉnh ban hành tại Quyết định số 37/2018/QĐ-UBND ngày 20/12/2018; Thực hiện cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và Giấy chứng nhận an toàn vật liệu nổ công nghiệp theo quy định.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở đã xây dựng kế hoạch thanh tra ngay từ đầu năm, trong đó thực hiện thanh tra tập trung về công tác quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và thanh tra về hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh... Thực hiện các cuộc kiểm tra về: Việc chấp hành quy định pháp luật về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại thuộc lĩnh vực ngành công thương quản lý; Kiểm tra công tác bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán; Kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu; Kiểm tra, rà soát kết quả hoạt động của các Hợp tác xã dịch vụ điện năng trên địa bàn tỉnh; Kiểm tra công tác quản lý nhà nước đối với chợ hạng 2, 3;… Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kịp thời ngăn ngừa những sai phạm của các đơn vị được thanh tra, kiểm tra (Năm 2022 không cho công dân đến kiến nghị, phản án tại cơ quan sở). Thực hiện tốt công tác tiếp công dân theo quy định của Luật tiếp công dân, thực hiện công tác phòng chống tham nhũng.
Công tác cải cách thủ tục hành chính luôn được quan tâm. Xây dựng và triển khai tốt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2022; Thực hiện Báo cáo về việc tự đánh giá, chấm điểm tiêu chí, thành phần Chỉ số cải cách hành chính của Sở Công Thương. Thực hiện tốt chế độ một cửa trong công tác cải cách hành chính nhà nước: Năm 2022 (từ ngày 15/12/2021 đến thời điểm báo cáo) Sở đã tiếp nhận: 13.239 bộ hồ sơ (nhận trực tiếp 152 bộ; nhận trực tuyến 13.063 bộ, tồn tháng trước 12 bộ); Trả kết quả cho tổ chức, cá nhân 13.201 bộ, từ chối giải quyết hồ sơ: 12 bộ, rút hồ sơ không giải quyết 07 bộ. Không có hồ sơ quá hạn.
Cùng với đó là các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp luôn được triển khai đổi mới và lồng ghép thực hiện, tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Các chương trình như khuyến công, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử... được triển khai cụ thể, phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất.

Bước sang năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng tạo đà hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Để góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, ngành Công Thương quyết tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, triệt để những định hướng chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về phát triển công nghiệp - thương mại năm 2023. Trong đó, trọng tâm là theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các chỉ tiêu về sản xuất công nghiệp và tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm. Chủ động bám sát doanh nghiệp, tham mưu đề xuất cụ thể với UBND tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các dự án công nghiệp và trong sản xuất kinh doanh; tập trung tham mưu đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.
Mặt khác, ngành Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp, thương mạị. Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích, lựa chọn các nhà đầu tư thực hiện các dự án đảm bảo về năng lực, tính khả thi cao, có dây chuyền và sử dụng công nghệ tiên tiến, gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu, hài hòa lợi ích giữa nhà máy với người sản xuất nguyên liệu, thân thiện và bảo vệ môi trường. Đồng thời, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh để xây dựng và hoàn thiện các kế hoạch thuộc lĩnh vực công thương; tăng cường công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp để khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn được tiếp cận về trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất, thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Về hoạt động thương mại, ngành xác định một trong những giải pháp trọng tâm là phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại thành phố Việt Trì và trung tâm các huyện; phối hợp thực hiện phát triển, nâng cấp các chợ nông thôn tại các nơi có điều kiện. Triển khai có hiệu quả các chương trình thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.Ngành cũng quản lý chặt chẽ hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử và bán hàng đa cấp, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành.
Ngoài ra, ngành cũng sẽ tạo điều kiện kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với đối tác có nhu cầu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ hàng hóa. Kịp thời thông tin biến động của thị trường, tìm kiếm cơ hội thị trường mới cho doanh nghiệp, ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu của tỉnh. Song song với các giải pháp đẩy mạnh phát triển hoạt động công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh, ngành Công Thương cũng chú trọng đến công tác cải cách thủ tục hành chính; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kịp thời cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước tạo sự đồng thuận của doanh nghiệp và người dân trong việc thực thi các nhiệm vụ công tác của ngành./.
Nguyễn Mạnh Hùng
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Công Thương