Sáng ngày 8/12/2022, phát biểu mở đầu phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm - HĐND tỉnh khóa XIX, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Minh Châu nhấn mạnh: Đây là nội dung quan trọng của Kỳ họp, thể hiện vai trò, trách nhiệm và đánh giá năng lực quản lý, điều hành của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Người trả lời cần đi thẳng vào vấn đề, trả lời rõ ràng, đồng thời xác định trách nhiệm, giải pháp khắc phục trong thời gian tới, thời hạn hoàn thành nếu đó là những tồn tại, hạn chế.

Chủ tọa điều hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp
Kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Tổ đại biểu thị xã Phú Thọ về tiến độ triển khai, nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan đối với các dự án trọng điểm chậm tiến độ, đồng chí Trịnh Thế Truyền - TUV, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Đến ngày 30/11/2022, trên địa bàn tỉnh có 22 dự án đầu tư công trọng điểm, tổng mức đầu tư là 9.686 tỷ đồng và 1.331 dự án đầu tư tư nhân với tổng mức đầu tư là 169.943 tỷ đồng và 2.888 triệu USD.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Tổ đại biểu thị xã Phú Thọ chất vấn về tiến độ các dự án trọng điểm
Đến nay, các dự án đầu tư công đã thu hồi 410/586ha đất, đạt 69,9%. Trong đó: Dự án đường Cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang 32,2ha; đường liên vùng nổi đường Hồ Chí Minh đi tỉnh Yên Bái 30ha; đường Âu Cơ 26ha. Nhóm các dự án ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu theo tiêu chí, định mức 222ha; diện tích còn lại 176ha.
Các dự án đầu tư tư nhân đã giải phóng mặt bằng, thu hồi, giao đất là 18.655,7ha. Trong đó: Các dự án khu đô thị, khu dân cư nông thôn mới có 40/72 dự án đã được giao đất với diện tích 402,4ha/1.257ha (chiếm 32%); 2 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đã giải phóng mặt bằng (GPMB) 378,99ha/406,29ha (chiếm 93,28%); 24 dự án đầu tư hạ tầng triển khai xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp có 4 dự án mới lựa chọn được nhà đầu tư, diện tích đã GPMB là 595ha/1.187,4ha (chiếm 50,1%); dự án sản xuất, thương mại, khai khoáng, chế biến đã giao 17.279,4ha/19.773,6ha (chiếm 87,38%).
Qua tổng hợp, nhóm các dự án đầu tư công có tiến độ cao nhất, đây là nhóm dự án Nhà nước thu hồi đất, được người dân đồng tỉnh. Nhóm các dự án đầu tư hạ tầng khu đô thị, nhà ở có tiến độ GPMB chậm; nguyên nhân là do các dự án có phạm vi quy mô lớn, nhiều hộ dân không đồng tình với đơn giá BTGPMB. Nhóm dự án hạ tầng khu công nghiệp hiện có Dự án Khu công nghiệp (KCN) Phú Hà triển khai đảm bảo tiến độ, đã bàn giao mặt bằng 356,29ha; dự án KCN Cẩm Khê còn chậm tiến độ đang chậm 6 tháng đến một năm so với yêu cầu do liên quan đến GPMB của 250 hộ dân và hoàn thành 5 khu tái định cư, hiện đã bàn giao 344,6ha (còn 105,4ha chưa GPMB). Các dự án khác hầu hết đều chậm kéo dài nhiều năm do đều là các dự án tự thỏa thuận, việc thỏa thuận đơn giá BTGPMB còn nhiều khó khăn. Riêng Dự án Đầm Ao Châu vướng mắc liên quan đến 5km đường sắt qua địa bàn thị trấn Hạ Hòa, chủ đầu tư đã thống nhất điều chỉnh lại phạm vi và quy mô dự án.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Thế Truyền trả lời chất vấn tại kỳ họp
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư lý giải nguyên nhân chủ yếu là do quy trình thủ tục đầu tư còn nhiều vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu; quá trình triển khai các dự án thực hiện đầu kỳ kế hoạch vướng mắc về quy hoạch đất đai, kế hoạch sử dụng đất, việc phân bố chỉ tiêu sử dụng đất cho các dự án giai đoạn 2021 - 2025; nhiều dự án quy mô lớn, trong đó các dự án triển khai trong thời điểm chịu sự tác động của thị trường tài chính, thị trường bất động sản, huy động vốn khó khăn; một số dự án người dân có đất bị thu hồi không thống nhất với mức giá bồi thường, hỗ trợ GPMB…; công tác khảo sát, lập đề xuất dự án còn nhiều hạn chế dẫn đến quá trình thực hiện vướng mắc, chưa phù hợp phải điều chỉnh nhiều lần.
Về giải pháp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát tình hình, tiến độ các dự án để đề xuất Ban chỉ đạo tỉnh xem xét, chỉ đạo cho ý kiến đối với từng dự án; đề xuất việc xử lý đối với các vấn đề phát sinh, kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm; đồng thời bổ sung nhiệm vụ về cơ chế điều hành… Năm 2023, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cam kết bồi thường đối với các dự án này giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương.
Đối với nguồn vốn ứng trước ngân sách Trung ương để triển khai các dự án, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã ứng trước vốn ngân sách Trung ương 1.012 tỷ đồng, trong đó đã thu hồi cân đối được khoảng 704 tỷ đồng, số còn lại cần tiếp tục tranh thủ hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để chi trả.
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Minh Châu yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tra, đánh giá rõ tình hình, tiến độ triển khai các dự án; làm rõ những vướng mắc, khó khăn, tồn tại, những vi phạm của chủ đầu tư trong triển khai các dự án để báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo xử lý, kiên quyết thu hồi để chuyển cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác.
Có biện pháp xử lý các dự án chậm chuyển mục đích sử dụng đất rừng

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Phương Hạnh - Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực Thanh Ba chất vấn về việc chuyển mục đích sử dụng rừng
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Phương Hạnh - TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực Thanh Ba về nguyên nhân 65/83 dự án chậm hoàn thiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và biện pháp xử lý tình trạng này, đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nguyên nhân là do 33 dự án (có sử dụng vốn ngân sách nhà nước) khi lập dự án không bố trí kinh phí nộp tiền trồng rừng thay thế trong tổng mức đầu tư được phê duyệt. 32 dự án còn lại (chủ yếu là dự án đầu tư tư nhân) đang thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, một số dự án đang đề xuất hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư; một số dự án do hộ gia đình, cá nhân làm chủ đầu tư chưa thực hiện đến bước chuyển mục đích sử dụng rừng.
Thời gian tới, đối với các dự án có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư rà soát, báo cáo, đề xuất để tỉnh sắp xếp, bố trí nguồn kinh phí thực hiện nộp tiền trồng rừng thay thế. Với các dự án đầu tư tư nhân, Sở tiếp tục hướng dẫn đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện thủ tục về chấp thuận phương án và thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo quy định.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Minh Tuấn trả lời chất vấn tại Kỳ họp
Đối với dự án nâng cấp tuyến đê tả, đê hữu Ngòi Cỏ kết hợp làm đường sơ tán dân (thuộc xã Điêu Lương, huyện Cẩm Khê), Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: Do nguồn vốn bố trí cho dự án còn thiếu, đạt 48% so với tổng mức đầu tư nên mới chỉ đắp phần thân đê để đảm bảo cao trình chống lũ. Năm 2017, thực hiện rà soát tổng thể các dự án, tỉnh đã dừng thực hiện dự án. Năm 2020, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư cải tạo nâng cấp, gia cố ngòi Me, ngòi Cỏ và giao cho UBND huyện Cẩm Khê làm chủ đầu tư. Năm 2021, UBND tỉnh có văn bản giao UBND huyện Cẩm Khê lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hoàn thiện phần đê hữu Ngòi Cỏ và sẽ triển khai trong giai đoạn 2 của dự án.
Đại biểu Đỗ Thị Phong - Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Hạ Hòa đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn giải trình, làm rõ về việc tỷ lệ giải ngân mới được 3,3% so với nguồn dự toán ngân sách được phân bổ để thực hiện Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu Đỗ Thị Phong - Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Hạ Hòa chất vấn về việc thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp
Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Nghị quyết 22/2021/NQ-HĐND được xây dựng nhằm khuyến khích các chủ thể chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, quy mô lớn; tập trung hỗ trợ các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có lợi thế của tỉnh. Vì vậy, đối tượng áp dụng đủ điều kiện hỗ trợ không nhiều. Năm 2022 là năm đầu triển khai Nghị quyết nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xây dựng, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các cấp ngành, địa phương tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ lần này là hỗ trợ sau đầu tư, hỗ trợ theo khối lượng hoàn thành được nghiệm thu nên có nhiều dự án cần có thời gian để xây dựng, thẩm định, phê duyệt và thời gian thực hiện dự án kéo dài.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Nghị quyết 22/2021/NQ-HĐND quy định việc triển khai thực hiện từ khi xây dựng kế hoạch, thẩm định phê duyệt, lựa chọn đối tượng được hỗ trợ đến nghiệm thu, giải ngân là hoàn toàn thuộc thẩm quyền cấp huyện.
Vấn đề này, Chủ tọa kỳ họp yêu cầu: Để chính sách đi vào cuộc sống phải tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, nắm bắt việc thực hiện ở từng địa phương cho phù hợp để kịp thời điều chỉnh nhằm mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Xử lý dứt điểm tình trạng ngập úng cục bộ đô thị
Chất vấn tại hội trường, đại biểu Trần Thanh Hải - Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực thành phố Việt Trì phản ánh thực trạng ngập úng cục bộ tại thành phố Việt Trì hiện đang ở mức báo động trong thời gian qua, nhất là khu vực phường Tiên Cát, khu đô thị Minh Phương… Bên cạnh đó, tình trạng tắc nghẽn giao thông tại một số tuyến đường trên địa bàn thành phố vào những thời điểm tan học tại một số trường cũng là điều cần được xem xét, đánh giá bởi nếu không tính toán thì một vài năm tới khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là phương tiện ôtô tăng lên thì việc này là không tránh khỏi.

Đại biểu Trần Thanh Hải - Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực thành phố Việt Trì phản ánh thực trạng ngập úng cục bộ tại thành phố Việt Trì
Giải trình vấn đề này, đồng chí Trần Quang Tuấn - TUV, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Theo quy hoạch phát triển đô thị của thành phố Việt Trì đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các tuyến đường trên địa bàn cơ bản đã được đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, một số tuyến đường trục chính chưa được nâng cấp, dẫn đến vẫn còn tình trạng tắc nghẽn giao thông cục bộ. Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới rất cần đẩy mạnh huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư các tuyến đường nằm trong quy hoạch, các trục kết nối chính đảm bảo giao thông. Đặc biệt, cần nâng cao ý thức người dân, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán gây ùn tắc giao thông.

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Quang Tuấn trả lời chất vấn về vấn đề quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh
Đối với nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng tại một số khu vực trên địa bàn thành phố Việt Trì là do những địa bàn này trước đây là vùng trũng. Do quá trình đô thị hóa phát triển, không còn những nơi tích nước tạm thời. Từ năm 2019 đến nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định sử dụng đất trong đồ án quy hoạch. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với thành phố Việt Trì có phương án điều tiết nước tại hồ Đồng Cận đảm bảo hợp lý, tránh gây ngập úng cục bộ tại khu vực này. Đồng thời, phối hợp đẩy nhanh tiến độ GPMB để triển khai Dự án Khu đô thị Minh Phương giai đoạn 2, sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần đảm bảo việc tiêu úng cho Khu đô thị.
Quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng trên địa bàn
Đại biểu Điêu Kim Thắng - Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Cẩm Khê và đại biểu Ngô Quang Chính - Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực Phù Ninh phản ánh hiện nay tình trạng người dân xây dựng công trình không đúng quy hoạch, lấn chiếm vỉa hè, hành lang an toàn giao thông, cố tình xây dựng công trình sau khi có quy hoạch nhằm trục lợi… Việc xây dựng và quản lý đồ án quy hoạch phân khu ở cấp tỉnh và quy hoạch chi tiết ở cấp huyện, cấp xã triển khai còn chậm; còn tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch bị phá vỡ, không đúng mục đích ban đầu của dự án.

Đại biểu Điêu Kim Thắng - Tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Cẩm Khê phản ánh tình trạng xây dựng công trình không đúng quy hoạch
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Quang Tuấn giải trình: Trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng và công bố công khai quy hoạch, tổ chức cắm mốc giới tại thực địa thuộc về UBND các cấp. Việc công bố công khai quy hoạch và tổ chức cắm mốc giới tại thực địa cơ bản đã được các địa phương thực hiện đầy đủ, đúng quy định. Tuy nhiên, việc quản lý thực hiện quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn còn nhiều khó khăn.
Để khắc phục hạn chế tình trạng này trong thời gian tới, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Sở sẽ phối hợp cùng UBND các cấp trong công tác tổ chức thực hiện quy hoạch, xây dựng để đảm bảo các công việc được thực hiện bài bản, đầy đủ, tuân thủ các quy định của pháp luật. Cùng với đó, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp cùng UBND các cấp thực hiện tốt việc công bố công khai quy hoạch và tổ chức cắm mốc giới ngoài thực địa đối với các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt. Sở đang tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành bộ đơn giá bồi thưởng vật kiến trúc để tránh những trường hợp xây dựng bổ sung không đúng tiêu chuẩn nhằm mục đích trục lợi trong công tác BTGPMB.
Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy chế quản lý đô thị tại từng địa phương, nhất là khu vực nông thôn, tránh tình trạng xây dựng công trình không đúng quy hoạch, xây dựng trái phép nhằm trục lợi, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Theo Phutho.gov.vn